Lượt xem: 2623
Tìm hiểu về khái niệm Văn hóa

Mặc dù thuật ngữ Văn hóa được hầu hết các ngành khoa học xã hội ngày nay sử dụng, nhưng thuật ngữ này lại nhận được định nghĩa chính xác và toàn diện nhất từ ngành nhân chủng học. Trong khi ngành xã hội học tập trung vào khái niệm xã hội; ngành kinh tế bàn về các khái niệm sản xuất, phân phối và tiêu dùng; và ngành khoa học chính trị bàn về khái niệm quyền lực, thì nhân chủng học đã tập trung vào khái niệm văn hóa. Từ những khởi đầu trong thế kỷ XIX của ngành nhân chủng học, khái niệm văn hóa đã trở thành trung tâm của cả phân ngành dân tộc học và khảo cổ học và trở thành một mối quan tâm trọng yếu, nếu không muốn nói là toàn diện, của nhân chủng học hình thể. Từ nhiều công trình nghiên cứu liên tục về các lối sống khác nhau qua không gian và thời gian, nhân chủng học đã làm được nhiều hơn các ngành khoa học khác để điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về khái niệm văn hóa.

Văn hóa – khái niệm được định nghĩa đa dạng

         Trong cách sử dụng phi khoa học, thuật ngữ văn hóa dùng để chỉ những cảm xúc tinh tế của cá nhân như âm nhạc cổ điển, mỹ thuật, triết học thế giới và ẩm thực dành cho người sành ăn. Ví dụ, theo cách sử dụng phổ biến của thuật ngữ này, người có văn hóa thích nghe nhạc của Bach[1] hơn là Snoop Dogg[2], gọi món escargot[3] thay vì sườn nướng khi ăn tối, có thể phân biệt giữa phong cách nghệ thuật của Monet[4] và Toulouse-Lautrec[5], thích Grand Manlier[6] hơn Kool-Aid[7], và xem múa ballet thay vì coi đấu vật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các nhà nhân chủng học sử dụng thuật ngữ văn hóa theo nghĩa rộng hơn "những điều tốt đẹp trong cuộc sống". Nhà nhân chủng học không phân biệt giữa người có văn hóa và người vô văn hóa. Theo định nghĩa nhân học, tất cả mọi người đều có văn hóa. Thổ dân Úc, sống với mức tối thiểu của công nghệ, là những con người văn hóa y như Yo-Yo Ma[8] và Pavarotti[9]. Do đó, đối với nhà nhân chủng học, thì các điểm xuất phát của nền văn hóa, thần thoại sáng tạo và túp lều bùn là những yếu tố văn hóa có giá trị như một bản giao hưởng Beethoven, một bức tranh Warhol[10] và một vở nhạc kịch Sondheim[11].

Hình 1. Món ốc sên kiểu Pháp

         Trong thế kỷ qua, các nhà nhân chủng học đã xây dựng một số định nghĩa về khái niệm văn hóa. Trên thực tế, trong tác phẩm thường được trích dẫn của Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn (1952), người ta tìm thấy hơn 160 định nghĩa khác nhau về văn hóa. Dù như vậy nhưng người ta không cho rằng sự gia tăng các định nghĩa sẽ làm cho nhân chủng học thành một chiến trường hỗn loạn, nơi không có sự đồng thuận tồn tại giữa các nhà nhân chủng học. Bởi vì nhiều định nghĩa trong số đó cùng nói về một điều cơ bản. Một định nghĩa ban đầu được nhà nhân chủng học người Anh thế kỷ XIX Edward Tylor đề xuất. Theo Tylor, văn hóa là "tổng thể phức hợp những kiến thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất kỳ khả năng và thói quen nào đó mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội" (1871: 1). Gần đây, văn hóa đã được định nghĩa là "một bản đồ tinh thần hướng dẫn mối quan hệ của chúng ta với môi trường xung quanh và với những người khác" (Downs 1971: 35), và có lẽ ngắn gọn nhất là "cách sống của một dân tộc" (Hatch 1985: 178).

         Thêm vào số lượng định nghĩa vốn đã khá lớn, chúng tôi sẽ định nghĩa khái niệm văn hóa là "mọi thứ mà mọi người , suy nghĩlàm với tư cách là thành viên của một xã hội". Định nghĩa này có thể mang tính hướng dẫn vì ba động từ (có, suy nghĩ làm) tương ứng với ba thành phần chính của văn hóa. Đó là, tất cả mọi thứ mà mọi người đề cập đến của cải vật chất; mọi thứ mà mọi người nghĩ đều đề cập đến những thứ họ có trong đầu, chẳng hạn như ý tưởng, giá trị và thái độ; và mọi thứ mà mọi người làm đều đề cập đến các mô hình hành vi. Do đó, tất cả các nền văn hóa bao gồm các đối tượng vật chất; ý tưởng, giá trị và thái độ; và các cách cư xử theo khuôn mẫu (xem hình 3).

Hình 2. Theo các nhà nhân học văn hóa, Người đàn ông của bộ tộc Dani ở New Guinea cũng có văn hóa y như nhạc sĩ nổi tiếng Yo-Yo Ma

         Mặc dù các thành phần này của văn hóa được phân chia nhưng không nên kết luận rằng chúng không liên quan nhau. Trên thực tế, các thành phần đó có mối liên hệ mật thiết đến mức rất khó để tách chúng ra trong cuộc sống thực. Để minh họa, một nhà nhân chủng học không phải người Mỹ nghiên cứu văn hóa của Hoa Kỳ đã quan sát những người Mỹ viết lách trong nhiều bối cảnh khác nhau. Những người thuộc tầng lớp trung lưu Bắc Mỹ trong quá trình điền đơn xin việc, viết thư cho những người thân yêu, viết nguệch ngoạc tin nhắn trên tờ giấy, viết sách và soạn tin nhắn e-mail, … là một vài ví dụ để nghiên cứu. Khi, chúng ta đang sử dụng những thứ hữu hình (hoặc hiện vật), chẳng hạn như bút, bút chì, máy tính, phần mềm xử lý văn bản, ổ cứng và giấy. Mặc dù những hiện vật này rõ ràng và có thể nhìn thấy được, nhưng chúng chỉ đại diện cho một phần của quá trình viết. Nếu chúng ta muốn hiểu toàn bộ ý nghĩa của văn bản trong văn hóa Mỹ, điều bắt buộc là chúng ta phải nhìn bên dưới bề mặt để thấy những thành phần khác của văn hóa, chẳng hạn như ý tưởng, kiến thức, thái độ và mô hình hành vi. Ví dụ, để một người New York sử dụng tiếng Anh ở dạng viết, cô ấy phải biết bảng chữ cái, cách đánh vần, ngữ pháp và cú pháp tiếng Anh cơ bản và viết từ trái sang phải và từ trên xuống dưới. Cô ấy phải biết cách thao tác một dụng cụ viết (bút hoặc bút chì) hoặc có các kỹ năng máy tính cơ bản. Cô ấy cần biết nhiều thông tin văn hóa để truyền đạt các thông điệp bằng văn bản một cách mạch lạc. Ngoài ra, cô ấy phải tuân theo các quy ước hành vi nhất định, như không viết khi ngồi khỏa thân trong thư viện công cộng. Do đó, quá trình văn hóa viết liên quan đến kiến thức sâu sắc về ba thành phần cơ bản của văn hóa: sự vật hoặc hiện vật, ý tưởng và kiến thức, và mô hình hành vi.

Hình 3. Ba yếu tố của văn hóa (nhánh trái: Vật chất; nhánh giũa: Ý tưởng, giá trị, thái đô; nhánh phải: Mô hình hành vi)

         Có lẽ khía cạnh cơ bản nhất của văn hóa, và điều làm cho con người trở nên độc đáo trong thế giới động vật, là khả năng tượng trưng. Một biểu tượng là một cái gì đó đại diện cho (thay thế cho) một cái gì khác. Khi người Bắc Mỹ nhìn thấy một chữ Vạn của Đức Quốc xã, thì sẽ có vô số hình ảnh xuất hiện trong tâm trí. Những hình ảnh ấy bao gồm Holocaust[12], Adolf Hitler, các trại tập trung và những tên lính quốc xã ngốc nghếch. Hầu hết người Mỹ nói chung có cảm giác tích cực khi họ nhìn thấy các ngôi sao và sọc màu đỏ, trắng và xanh lam. Trong số nhiều thứ khác thì sự sắp xếp màu sắc và hình dạng đó tượng trưng cho nền dân chủ, tuyên ngôn Nhân quyền, thủ tục tố tụng và cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, lá cờ Mỹ đại diện cho một loạt các ý nghĩa rất khác nhau đối với những thanh niên giận dữ, những người thích đốt nó trên đường phố Teheran, Djakarta và Karachi. Cho dù lá cờ Mỹ tượng trưng cho hình ảnh tích cực hay tiêu cực nhưng đúng là tất cả các hành vi của con người đều nhạy cảm với việc sử dụng các biểu tượng.

         Như Leslie White (1959) đã tuyên bố rất mạnh mẽ, khả năng tượng trưng là dấu hiệu quan trọng nhất của nhân loại. Chính khả năng này đã tạo ra và mang lại ý nghĩa cho các biểu tượng, giúp mọi người xác định, sắp xếp và phân loại mọi sự vật, ý tưởng và hành vi. Khi mọi người tượng trưng bằng cách sử dụng ngôn ngữ, họ thể hiện sự trải nghiệm sớm hơn hoặc dư đoán các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai. Nếu không có biểu tượng, chúng ta sẽ không thể lưu trữ trí tuệ tập thể của các thế hệ trước, và do đó nhân loại sẽ có xu hướng lặp lại những sai lầm của quá khứ. Các biểu tượng gắn kết những người có thể không phải là một phần của một nhóm thống nhất lại với nhau. Sức mạnh của các biểu tượng chung của chúng ta trở nên rõ ràng khi chúng ta gặp gỡ những người cùng văn hóa ở một đất nước xa xôi. Chúng ta thường bị các biểu tượng thu hút do chia sẻ một tập hợp các ý nghĩa chung, chẳng hạn như ngôn ngữ, các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ và văn hóa vật chất như quần áo. Đó là ý nghĩa chung của các biểu tượng của chúng ta cho phép mình tương tác với nhau với mức độ mơ hồ và hiểu lầm ít nhất.

         Trong cách sử dụng hàng ngày, thuật ngữ chủng tộc thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa với văn hóa. Nhưng các nhà nhân chủng học coi đây là hai khái niệm rất khác nhau. Một chủng tộc là một quần thể giao phối với nhau mà các thành viên chia sẻ một vài đặc điểm thể chất quan trọng với nhau, chẳng hạn như nhóm máu, màu mắt và hình dạng, màu da và kết cấu tóc, chỉ đề cập đến một số ít về văn hóa. Ngược lại, văn hóa đề cập đến các đặc điểm phi sinh họcphi di truyền của con người chúng ta. Tất cả mọi người có thể được phân loại theo đặc điểm thể chất và theo đặc điểm văn hóa hoặc văn hóa có được. Và mặc dù nhiều nhóm chia sẻ cả một nền văn hóa chung và một tập hợp các đặc điểm thể chất tương tự nhau, hai khái niệm này khác nhau và khá độc lập với nhau.

Một sự hiểu lầm phổ biến khác có liên quan đến sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm văn hóa và văn minh. Một lần nữa, các khái niệm về văn minh và văn hóa không thể thay thế cho nhau. Mặc dù tất cả các nền văn minh đều là văn hóa, nhưng không phải tất cả các nền văn hóa đều là văn minh. Các nhà nhân chủng học sử dụng khái niệm văn minh để nói đến một loại hình văn hóa rất cụ thể lần đầu tiên xuất hiện khoảng 5,500 năm trước trong vùng Lưỡi liềm màu mỡ - Fertile Crescent (Iraq ngày nay). Các nền văn minh về cơ bản là các nền văn hóa đã phát triển ở các thành phố. Chủ yếu dựa trên định nghĩa của nhà khảo cổ học V. Gordon Childe (1936), các nền văn minh (hoặc xã hội đô thị) được đặc trưng bởi các đặc điểm như kiến trúc hoành tráng, chính phủ tập trung (phân cấp), hệ thống sản xuất  lương thực hoàn toàn hiệu quả và có chữ viết. Mặc dù đôi khi chúng ta nghe thấy những tuyên bố như "Ồ, thật không văn minh!" nhưng các nhà nhân chủng học hiện đại không sử dụng khái niệm nền văn minh để chỉ định một loại hình văn hóa vượt trội.

Nguồn: Gary Ferraro, Susan Andreatta (2010), Cultural Anthropology: An Applied Perspective, Eighth Edition, Wadsworth Cengage Learning published, p.27-30.

Người dịch: Ama Huy


[1] Johann Sebastian Bach là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ, vĩ cầm, đại hồ cầm, và đàn harpsichord người Đức thuộc thời kỳ Baroque

[2] Calvin Cordozar Broadus, Jr. thường được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Snoop Dogg là một rapper, ca sĩ, nhà sản xuất thu âm và diễn viên người Mỹ

[3] Món ốc sên (Escargot) là một món ăn xuất xứ từ nước Pháp với nguyên liệu là những con ốc sên.

[4] Claude Monet là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng và là họa sĩ nhất quán và nhiều tác phẩm nhất của phong trào triết học miêu tả những nhận thức của con người trước thiên nhiên, đặc biệt khi được áp dụng để vẽ phong cảnh ngoài trời

[5] Henri Marie Raymond de Toulouse-Lautrec-Monfa hay gọi tắt Henri de Toulouse-Lautrec là một danh họa người Pháp nổi tiếng với các tác phẩm mô tả cuộc sống sôi động và đầy màu sắc ở Paris cuối thế kỷ 19

[6] Grand Marnier là một thương hiệu rượu mùi của Pháp. Sản phẩm nổi tiếng nhất của thương hiệu là Grand Marnier Cordon Rouge, một loại rượu mùi có hương cam

[7] Kool-Aid là thương hiệu đồ uống có hương vị của Mỹ thuộc sở hữu của Kraft Heinz có trụ sở tại Chicago, Illinois.

[8] Mã Hữu Hữu sinh ngày 7 tháng 10 năm 1955 là một nghệ sĩ bậc thầy về cello quốc tịch Mỹ. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng như Giải Grammy, Huân chương Quốc gia về Nghệ thuật năm 2001 và Huân chương Tự do Tổng thống năm 2011.

[9] Luciano Pavarotti là ca sĩ opera giọng nam cao người Italia

[10] Andy Warhol là một họa sĩ người Mỹ gốc Rusyn nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng.

[11] Stephen Joshua Sondheim là một nhà soạn nhạc và viết lời ca khúc người Mỹ. Trong số những nhân vật quan trọng nhất trong nhạc kịch thế kỷ 20, Sondheim được Broadway World ca ngợi "là nhà soạn nhạc kiêm tác giả lời ca khúc sáng tạo nhất, có ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất lịch sử Broadway hiện đại"

[12] Holocaust, còn được biết đến với tên gọi Shoah, là một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã cùng bè phái tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái bao gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em

Nhật Huy

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 535
  • Trong tuần: 6 009
  • Tất cả: 792358
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.