Lượt xem: 240
Thơ Út Tẩn
Trong đợt đi thực tế của đoàn văn nghệ sĩ hội Văn học nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng tại huyện Mỹ Tú, chúng tôi đã đến Homstay "Chợ nổi Ngã năm", một điểm đến du lịch được các cơ quan xúc tiến du lịch Sóc Trăng giới thiệu. Khung cảnh thiên nhiên sông nước thơ mộng và cách thức phục vụ khách chu đáo của vợ chồng anh chị chủ Homstay làm cho những thành viên của đoàn ai cũng thấy hài lòng. Thú vị hơn, anh Út Tẩn, chồng của chị chủ Homstay, vốn chỉ học chưa hết Tiểu học lại tự mình làm thơ, ghi nhớ và nhờ chị vợ chép lại. Một trong những bài thơ anh Út đọc giữa buổi trưa cho đoàn văn nghệ sĩ nghe làm nhiều người tán thưởng là bài "Dòng sông ngủ".

Anh Út Tẩn -Ảnh Nhật Huy

Dòng sông ngủ

Giọt nước mắt nào rớt trên rừng khô 
chảy xuống thành sông
Nằm giữa rừng xanh êm trôi, êm trôi
Ngày che tay mặt trời, đêm ôm lấy mặt trăng 
dưới đáy sông dài
Chiều chiều mặt trời rớt xuống rừng tàn
Bóng tối lan dần, dòng sông ngậm ngùi 
nhìn mảnh lá vàng rớt lìa mong ước xa xôi
Không biết đêm nay 
những kẻ cô đơn phải gửi tâm tư về đâu 
Rừng xanh
Những đêm không trăng sao
Dòng sông nằm trong gió lạnh
Nhìn lên trời cao mênh mông
Chỉ có vài chú đóm chuyên cần lên đèn đi gác
giữa rừng xanh
Rồi năm tháng trôi qua
Rừng lớn lên xanh những tháng này, che khuất trời cao
Dòng sông không còn biết ngày hay đêm; trần gian hay âm phủ
Đành ngủ yên trong giấc mộng dài./.


         Anh Út Tẩn làm thơ không phải bằng chữ viết mà bằng trí nhớ. Anh có thể đọc vanh vách những gì mình đã nghĩ ra với một phong thái tự tin và một giọng điệu đầy tình cảm. Có thể thấy, anh làm thơ từ những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống. Vốn chữ nghĩa ít ỏi có thể là rào cản đối với một số người nhưng lại là cơ hội đối với anh Út Tẩn. Bởi vì, anh lấy lời ăn tiếng nói hằng ngày để bộc lộ những chiêm nghiệm của mình, lấy lời bình thường để diễn đạt những xúc cảm và tư tưởng trong quá trình lao động.
         Trở lại bài thơ Dòng sông ngủ, người đọc thấy được một tâm trạng đầy suy tư về thiên nhiên và thân phận con người khi làm việc trong rừng U Minh. Anh Út kể: “ Những năm trước, anh đi làm cai đội ở dưới rừng U Minh. Như tên gọi U Minh (tăm tối), Đặc trưng của rừng U minh là cây rừng dày đặt và che lấp cả không gian bên trên, dưới nước chỉ là một màn tối tăm lờ nhờ. Những dòng sông trong cánh rừng quanh năm không thấy được ánh sáng nên được tác giả gọi là “dòng sông ngủ”

Giọt nước mắt nào rớt trên rừng khô 
                                       chảy xuống thành sông
Nằm giữa rừng xanh êm trôi, êm trôi
Ngày che tay mặt trời, đêm ôm lấy mặt trăng 
                                                           dưới đáy sông dài
Chiều chiều mặt trời rớt xuống rừng tàn
Bóng tối lan dần, dòng sông ngậm ngùi 
                                                 nhìn mảnh lá vàng rớt lìa mong ước xa xôi
Không biết đêm nay 
                                  những kẻ cô đơn phải gửi tâm tư về đâu 


         Cách kết hợp các hình ảnh của anh thật độc đáo. Nước trong rừng được nhìn như chắc lọc từ những “giọt nước mắt”; những cánh rừng như những bàn tay che khuất mặt trời và mặt trăng ban đêm. Cách dùng phép nhân hóa “nhìn lá vàng” dòng sông mơ ước xa xôi, tạo cảm hứng để kết nối và liên tưởng đến những người lao động xa quê nơi rừng U Minh. Câu thơ cuối vụt sáng lên để soi tỏ tâm từ người phu vác mướn.
Rừng xanh
Những đêm không trăng sao
Dòng sông nằm trong gió lạnh
Nhìn lên trời cao mênh mông
Chỉ có vài chú đóm chuyên cần lên đèn đi gác
                                             giữa rừng xanh

         Dòng sông chuyên chở ghe xuồng để nuôi sống con người và dòng sông cũng chính là thân phận con người đang làm việc dưới những tán rừng. Dòng sông nằm trong gió lạnh cũng chính là con người đang lạnh giá. Hình ảnh “vài chú đóm chuyên cần lên đèn đi gác giữa rừng xanh” vừa đậm chất thơ, vừa có tư tưởng. Dòng sông chỉ thấy được ánh sáng le lói của những con đom đóm hay đời người chỉ thấy chút ánh sáng nhỏ nhoi của thân phận làm thuê?
         Bài thơ tuy đơn giản và được diễn đạt bằng một thứ ngôn từ không câu nệ hiệp vần nhưng lại chứa đựng những ý tưởng và cảm xúc đặc biệt. Chất thơ nằm ở cấu trúc lặp lại và những sự kết hợp độc đáo giữa các hình ảnh vốn quen mà lạ. Vì vậy, đọc bài thơ thấy vừa tinh tế vừa chân thành, vừa sần sùi vừa trau chuốt, vừa giản dị vừa sang trọng.
         Trong Việt Hán văn khảo Phan Kế Bính viết “Nói rút lại thì sở dĩ có văn chương, một là bởi ở tính tình, hai là bởi ở tư tưởng, ba là bởi ở ngôn ngữ văn tự, đó là ba cái căn nguyên trước nhất. Có ba cái căn nguyên ấy, rồi những sự quan cảm ở bề ngoài đưa đến mới thành ra văn chương vậy”. Quan cảm hiểu là cảm xúc. Như vậy nếu theo lời của Phan Kế Bính thì thơ của Út Tẩn đều có cả ba yếu tố tính tình (tình cảm); tư tưởng (suy tư trước thân phận con người) và ngôn ngữ văn tự (lời nói đầy chất thơ).
Bài và ảnh: Huỳnh Vũ Lam

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 47
  • Hôm nay: 541
  • Trong tuần: 541
  • Tất cả: 802938
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.