Lượt xem: 485
Tìm hiểu về câu đối ở Sóc Trăng
Câu đối và chơi câu đối là thú vui chơi truyền thống của các nước chịu ảnh hưởng văn hoá chữ Hán, trong đó có Việt Nam. Đến thập niên 20 của thế kỉ XXI, khi mà số người có khả năng đọc chữ Hán còn rất ít thì câu đối vẫn còn hiện diện ở khắp nơi, từ các cơ sở thờ tự truyền thống (đình, chùa, miếu, am, …) đến đền thờ các vị anh hùng liệt sĩ hoặc nhà riêng mỗi người (cưới hỏi, tang chế, bàn thờ gia tiên, …). Điều đó cho thấy, không dễ xoá câu đối ra khỏi đời sống văn hoá của người Việt nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng.

         Câu đối là một thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Câu đối còn là một trong những thể loại văn học của Việt Nam. Câu đối được xem là tinh hoa của văn hóa chữ Hán, người Trung Quốc quan niệm: "nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa"[1]. Câu đối có nguồn gốc từ người Trung Quốc. Văn hóa Hán truyền bá sáng Việt nam cùng với chữ Hán và chế độ nho học, thi cử hàng ngàn năm đã hình thành một nếp sống trong câu đối. Bao nhiêu đình chùa, cơ sở thờ tự có liên quan đến văn hóa Hán đều xuất hiện câu đối. Hễ mỗi khi có sự kiện liên quan đến những đổi thay của đời ngươi là người ta lại dùng đến câu đối (quan, hôn, tang, tế). Nguyễn Văn Ngọc[2] từng viết: “… người ta, bất cứ về dịp nào, mối thất tình đã động, là cũng nên câu đối được cả. Dịp vui có câu đối mừng, dịp buồn có câu đối viếng; hết một năm, hơn một tuổi có câu đối thưởng xuân, qua mười năm, lên một giáp có câu đối chúc thọ ; mến cảnh, chiều đời mà làm được câu đối, thì ghét người, giận thân cũng làm được câu đối; ở nơi đình chùa, miếu mạo oai linh, trịnh trọng mà để được câu đối, thì ở chốn anh em bè bạn chơi đùa, cợt nhả cũng ngâm được câu đối”.

         Xét vị trí trong đời sống văn hoá, câu đối đầu tiên có chức năng thẩm mĩ. Nếu một cái cổng làng hay cái bàn thờ mà không có vật gì trang trí hai bên, chắc chắn nhìn cái cổng ấy rất chông chênh, bàn thờ trống vắng. Vì vậy chức năng đầu tiên của câu đối là tạo nên nét hài hoà trong cuộc sống. Mà hài hoà vốn là nguyên lí của cái đẹp. Ngoài ra chức năng trấn yểm các thế lực ma quỷ trong quan niệm dân gian cũng làm cho câu đối tồn tại. Khi ấy chữ nghĩa trong câu đối không còn là phương tiện để diễn đạt ý nghĩa mà nó là đối tượng được thờ cúng. Người Trung Quốc gọi câu đối là đối liên (對聯) nhưng tên gọi xưa của nó là đào phù (桃符). Trong sách Hoài nam tử của Hoài Nam vương Lưu An thời Tây Hán (206 Tr.CN) có ghi rõ: Đào phù chính là 2 mảnh gỗ đào dài 7-8 tấc, rộng hơn 1 tấc, trên đó vẽ hai vị môn thần là “Thần Trà” và “Úc Lũy”, rồi treo lên hai cánh cửa chính để xua đuổi ác quỷ. Đến thế kỷ X, ở nước Hậu Thục, nhân dịp Tết đến, chúa Hậu Thục là Mạnh Sưởng đột nhiên hạ lệnh cho quần thần viết 2 câu lên đào phù để thử tài năng của họ. Nhưng, khi quần thần đem những tấm đào phù đã viết chữ dâng lên cho Mạnh Sưởng xem, ông đều không hài lòng. Thế là, ông tự viết 2 câu trên đào phù: “Tân niên nạp dư khánh - Gia tiết hiệu trường xuân” (Tạm dịch: Năm mới hưởng niềm vui - Tiết lành báo xuân đến”). Đây chính là đôi câu đối cổ nhất được ghi lại còn lưu truyền đến nay ở Trung Quốc.

         Khi câu đối tồn tại với tư cách là phương tiện ngôn từ, nó có giá trị là công cụ để rèn giũa trí thông minh, nhanh nhạy, thể hiện tầm văn hóa của người có học. Câu đối là phương tiện để trang trí và cũng là cách thể bày tỏ khát vọng của người dân.  

         Ở Sóc Trăng, việc cộng cư với dân tộc Hoa, càng làm cho câu đối có sức sống. Tuy nhiên, để câu đối tồn tại và phát huy giá trị thì ít nhất chúng ta, nhất là thế hệ trẻ, phải hiểu những giá trị mà nó mang lại. Bởi vì nếu không, dần dần câu đối sẽ biến thành một thứ trang sức thần bí, chỉ để treo cho đẹp chứ không làm gì khác.

Ảnh: Câu đối trong miếu tiên sư ở đường Trương Công Định, phường 2 thành phố Sóc Trăng

         Ở Sóc Trăng, câu đối phổ biến trước hết là ở các cơ sở thờ tự. Trong Thành Phố Sóc Trăng, đường Trương Công Định có một ngôi miếu Tiên Sư (trong khuôn viên trung tâm dạy lái xe tàu). Trong miếu, trên bệ thờ có hai chữ tiên sư viết kiểu đại tự (chữ to), hai bên có hai câu đối:

先 聖 稟 烈 威 令 在

師 梵 尊 嚴 福 澤 長

Âm:Tiên thánh lẫm liệt uy linh tại

Sư phạm tôn nghiêm phúc trạch trường

         Nghĩa: Tiên thánh với nét lẫm liệt thể hiện uy linh tại đây/ Nghề sư phạm với sự tôn nghiêm là phước báu kéo dài. Căn cứ vào ý nghĩa của câu đối, có thể thây nơi đây là nơi thờ nghề sư phạm và những người dạy nghề cho người khác. Đây có thể là một trong những nơi thờ tự nghề sư phạm hiếm gặp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

         Câu đối còn cho thấy sự ảnh hưởng của người Hoa trong việc trùng tu đình chùa miếu mạo ở Sóc Trăng. Miếu Ba Thắc ở Mỹ Xuyên là một minh chứng. Theo tài liệu, miếu Ba thắc vốn là miếu thờ neak tà (thần đá) của người Khmer. Tuy nhiên năm 1927, sau khi trùng tu người Triều Châu (Hoa) đã thay đổi trang trí và đặt tên ngôi miếu là “Ba Thục cổ miếu”, hòn đá kia là “Ba Thục tướng quân”. Bên ngoài cửa còn có câu đối:

波 山 群 黎 咸 木 厚 載 德

蜀 道 庶 士 共 戴 聖 澤 恩

(Âm: Ba sơn quần lê hàm mộc hậu tải đức

Thục đạo thứ sĩ cộng đới thánh trạch ân).

         Tạm dịch: Trên Ba sơn dân chúng chịu ơn cao dày qua đức độ tướng quân/ Dưới Thục đạo quân sĩ cùng nhau ghi nhớ công lao, ơn đức của bậc thánh. Hai chữ đầu của hai câu đối chính là Ba Thục. Đời nhà Hán, Ba Thục chính là vùng đất phía Nam Trung Quốc. Tức là phía sau sông Trường giang về phía Tây Nam là xứ Ba Thục. Do vậy, trong tâm thức của người Hoa, khi đi vào vùng đất mới, chính là đi vào xứ Ba Thục xưa của nhà Hán. Chữ “Ba Thục” cũng là phiên âm Ba Thắc.

         Cùng trên một vùng đất, nhưng miếu thành hoàng ở thị trấn Mỹ Xuyên (đường Lê Lợi) thành lập năm 1934, tái thiết 2005, nơi Rằm tháng Tám hằng năm đều tổ chức chơi đố thai cho người dân, lại có một ý vị khác:

是 非 不 出 聰 明 鑑

 罰 全 由 正 直 施

(âm:Thị phi bất xuất thông minh giám

 Tưởng phạt toàn do chính trực thi).

         Ý nghĩa: Những lời thừa không cần nói do khả năng thông minh/ Khen hay chê đều xuất phát từ cách làm chính trực. Hai câu đối đã miêu tả rõ chủ trương, mục tiêu của ngôi đình là muốn lưu truyền một nét đẹp văn hoá của người dân Bãi Xàu: đố thai. Hai câu đối ý muốn thông báo rằng: những người có khả năng thông minh đến đây không cần nói những lời thừa thãi, tranh luận đúng sai cho tốn công; hãy cứ nêu lời giải của mình còn việc xét đoán, khen hay chê là do những người thừa hành ngay thẳng đưa ra.



[1] Câu đối – Wikipedia tiếng Việt. https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i

[2] Nguyễn Văn Ngọc, Thú chơi câu đối, Nxb. Văn hoá Thông tin, 2001, tr.4

Bài và ảnh: Huỳnh Vũ Lam

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 109
  • Hôm nay: 810
  • Trong tuần: 810
  • Tất cả: 803207
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.