Lượt xem: 274
Công nghiệp văn hóa – khả năng và ứng dụng
Trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện đại, ngành công nghiệp văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng không chỉ của quốc gia mà còn cho mỗi địa phương, khu vực. Đây không chỉ là lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế trực tiếp thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mà còn có thể tạo ra sức mạnh mềm, nâng cao hình ảnh và vị thế của địa phương trên nền quốc gia và trên trường quốc tế. Tỉnh Sóc Trăng, với sự đa dạng văn hóa và lịch sử trẻ trung năng động, có tiềm năng lớn trong việc ứng dụng và phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội của địa phương.  
         Ở Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng trong hai thập niên qua. Bên cạnh các ngành kinh tế truyền thống như sản xuất công nghiệp qua khai thác tài nguyên và sản xuất nông nghiệp qua tận dụng lợi thế đất đai, công nghiệp văn hóa đã nổi lên với các lĩnh vực như du lịch, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, và điện ảnh. Những lĩnh vực này không chỉ tạo nên các sản phẩm văn hóa đặc sắc mà còn đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhập của địa phương và quốc gia.
         Theo UNESCO, công nghiệp văn hóa được coi là một phần của công nghiệp sáng tạo, bao gồm các hoạt động sản xuất, sao chép, quảng bá và phân phối các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng như quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và trò chơi giải trí, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, truyền hình và phát thanh, cùng với du lịch văn hóa. Đây là ngành công nghiệp không khói, ít tác động tiêu cực đến môi trường nhưng lại có khả năng mang lại giá trị gia tăng cao.
         Theo báo cáo của UNESCO, công nghiệp văn hóa và sáng tạo đóng góp khoảng 3% GDP toàn cầu, tạo ra hàng triệu việc làm và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Đối với các địa phương như Sóc Trăng, công nghiệp văn hóa không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy du lịch, nâng cao thu nhập của người dân và cải thiện chất lượng cuộc sống.
         Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, du lịch văn hóa chiếm hơn 39% lượng khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu gần đây cho thấy du lịch văn hóa đang ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong việc lựa chọn điểm đến của du khách. Đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa sâu sắc hơn giúp thu hút du khách, tạo ra kỷ niệm đáng nhớ và tăng cường lòng trung thành với điểm đến. Những điểm tham quan văn hóa, từ bảo tàng đến lễ hội, di tích lịch sử và truyền thống địa phương, đều đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách. Hơn nữa, du lịch văn hóa giúp giảm thiểu tác động của tính thời vụ, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
 

Tiềm năng Văn hóa của Sóc Trăng

         Sóc Trăng nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với bờ biển dài 72 km tiếp giáp biển Đông. Tỉnh này có sông Hậu chảy qua và ba cửa sông lớn là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy. Sóc Trăng còn có 5 tuyến quốc lộ quan trọng kết nối với các tỉnh khác, chỉ cách Cần Thơ 62km, nơi có sân bay quốc tế, giúp việc đi lại và phát triển du lịch trở nên dễ dàng hơn.
         Không chỉ thuận lợi về giao thông, Sóc Trăng còn là vùng đất giàu tài nguyên du lịch văn hóa. Đây là nơi giao thoa văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc, đặc biệt là Kinh, Khmer, và Hoa. Điều này thể hiện rõ qua hệ thống chùa chiền đa dạng, di tích văn hóa lịch sử phong phú và trải dài trên khắp các huyện, thị xã, thành phố. Sóc Trăng còn nổi tiếng với nghệ thuật truyền thống đặc sắc, ẩm thực đa dạng, và những lễ hội sôi động như Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, đã trở thành một sự kiện cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển Công nghiệp Văn hóa: Bài học từ các địa phương khác

         Việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Sóc Trăng có thể học hỏi từ các địa phương đã thành công trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, thành phố Hội An đã biết cách khai thác hiệu quả giá trị văn hóa phi vật thể của mình, biến di sản văn hóa thành động lực phát triển kinh tế thông qua du lịch. Hội An hiện là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách, tạo ra doanh thu lớn và đóng góp không nhỏ vào GDP của tỉnh Quảng Nam.
         Cũng tương tự, thành phố Huế với Festival Huế là một ví dụ điển hình cho việc biến các giá trị văn hóa truyền thống thành sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, giúp thu hút du khách và phát triển kinh tế địa phương.
         Bình Định với việc tận dụng lợi thế đặc trưng của mình đã tạo ra lễ hội đua thuyền công thức 1 trên biển, tạo ra Trung tâm Khám phá khoa học đẳng cấp quốc tế, thu hút số đông học sinh và phụ huynh đến tham quan. Mỗi năm tỉnh này cũng là nơi quy tụ nhiều nhà vật lí học đạt giải Nobel về họp mặt.

       

Thực tế Công nghiệp văn hoá tại Sóc Trăng

         Hiện tại, tỷ trọng của ngành công nghiệp văn hóa trong GDP của tỉnh Sóc Trăng còn khá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, ngành này chỉ chiếm khoảng dưới 5% GDP của tỉnh, chủ yếu từ các hoạt động du lịch và dịch vụ văn hóa. Trong quyết định số 1156/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 có nhận định: Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU ngày 02/8/2016 về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng đã có những bước tiến đáng kể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, du lịch Sóc Trăng vẫn chưa phát triển hết tiềm năng và lợi thế sẵn có. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch vào kinh tế vẫn còn thấp; việc khai thác và phát triển tài nguyên du lịch còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động quảng bá du lịch chỉ mới dừng lại ở việc giới thiệu, chưa tạo được trải nghiệm sâu sắc; chất lượng sản phẩm du lịch chưa thực sự thu hút và chưa để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách; kết nối tour tuyến còn lỏng lẻo, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh, khu vực và cả nước; nguồn nhân lực trong ngành du lịch còn thiếu, đội ngũ hướng dẫn viên còn hạn chế về chuyên môn và nghiệp vụ.

Các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa tại Sóc Trăng

         Một số dự án phát triển văn hóa du lịch tại Sóc Trăng đã bắt đầu cho thấy hiệu quả. Ví dụ, lễ hội Ooc-om-boc diễn ra hàng năm thu hút hàng chục nghìn du khách, mang lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh. Các dự án bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống cũng đang được triển khai, với kỳ vọng tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc và thúc đẩy xuất khẩu. Để phát triển công nghiệp văn hóa, tỉnh Sóc Trăng cần có một chiến lược tổng thể, bao gồm các giải pháp sau:
         - Xây dựng thương hiệu văn hóa địa phương: Tạo ra các sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương để thu hút du khách. Ví dụ, tỉnh có thể tổ chức các sự kiện văn hóa thường niên như lễ hội Oóc Om Bóc, lễ hội Bánh Pía và xây dựng thương hiệu “Sóc Trăng - Xứ sở lễ hội”, “Sóc Trăng – mùa hoa kèn hồng”.
         - Phát triển hạ tầng du lịch: Đầu tư vào hạ tầng du lịch như nhà hàng, khách sạn, giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao. Hiện nay, muốn tổ chức một hội nghị ở khách sạn cho 500 người thì hơi khó cho một số khách sạn ở Sóc Trăng.
         - Tăng cường quảng bá và liên kết: Sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để quảng bá hình ảnh văn hóa của Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh cần liên kết với các địa phương khác để phát triển các tour du lịch liên tỉnh, thu hút du khách từ các thị trường lớn.
         - Hỗ trợ các làng nghề truyền thống: Đầu tư vào bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập từ các sản phẩm văn hóa. Ví dụ, các sản phẩm từ làng nghề bánh Pía, mắm cá lóc, dệt chiếu... có thể được phát triển thành các sản phẩm du lịch độc đáo.
         - Xây dựng các khu công nghiệp văn hóa: Thành lập các khu công nghiệp văn hóa để quy tụ các doanh nghiệp, nghệ nhân, nhà sáng tạo và các tổ chức liên quan, tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa phát triển bền vững.

         Công nghiệp văn hóa không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là yếu tố quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Với tiềm năng văn hóa đa dạng và phong phú, tỉnh Sóc Trăng có nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh. Việc triển khai các giải pháp phù hợp sẽ giúp Sóc Trăng khai thác tối đa tiềm năng văn hóa của mình, biến văn hóa thành nguồn lực kinh tế quan trọng, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
 
Bài và ảnh: Huỳnh Vũ Lam

 

 

video
  • LỄ HỘI CỦA ĐỒNG BÀO KHMER NAM BỘ (11/12/2024)
  • Liên hoan đờn ca tài tử (20/11/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 1074
  • Trong tuần: 6 477
  • Tất cả: 1231473
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.