Lượt xem: 72
Giá trị của những địa điểm trong đời sống văn hóa, văn học và giáo dục
01/01/2025
Trong đời sống, có những địa danh đã tạo nên sự ảnh hưởng về giá trị lịch sử, văn hoá khi ghi dấu nhiều sự kiện sâu sắc đã từng diễn ra. Tuy nhiên, có những nơi, cùng mang đậm dấu ấn về văn hoá nhưng chưa được gọi tên, chỉ vì thời gian thay đổi, không còn đủ cứ liệu để đưa vào địa danh chính thức. Nói ấy người đời chỉ gọi là những địa điểm, hay địa chỉ văn hoá.
Sông Chợ Cũ, được xem là Thương cảng Bãi Xàu xưa
Nhắc đến ấp Bãi Xàu Cũ, thuộc thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, nhiều người ngay lập tức liên tưởng đến một thương cảng nổi danh trong quá khứ của Việt Nam đầu thế kỉ XX, thương cảng Bãi Xàu. Trong lịch sử, Bãi Xàu đã từng là một trong những điểm giao thương sầm uất nhất khu vực, nơi tập trung các ghe chài để chở lúa gạo cũng như nông sản vô cùng sôi động. Hình ảnh đó, tuy bây giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng đã trở thành một phần quan trọng trong nét văn hoá của địa phương. Từ địa điểm này, chúng ta có thể thấy rõ giá trị đồng thời của những địa điểm đối với văn hoá, văn học, giáo dục và tiềm năng khai thác trong du lịch.
Địa điểm (địa danh) không chỉ là không gian vật lý, mà còn là địa chỉ văn hoá sống động. Tại ấp Bãi Xàu Cũ, những dấu vết của thương cảng năm xưa vẫn phảng phất trong lối sống, phong tục và các sinh hoạt đời thường. Đi một quãng, là đình Mỹ Xuyên, nơi còn câu đối tôn vinh nghề làm men nấu rượu của chợ Bãi Xàu nứt tiếng một thời. Đối diện bên kia đường là lối đi nhỏ dẫn vào miếu Ba Thắc, noi xuất phát của nhiều truyền thuyết về dải dất phía Nam Sông Hậu và cũng là nơi ghi dấu những giao thoa văn hoá, không chỉ giữa các vùng miền trong nước, mà còn với các dân tộc, quốc gia lân cận qua giao thương.
Các truyền thuyết, lễ hội truyền thống hay phong tục xưa giờ đã không còn nữa. Dòng sông chảy xiết thuở nào giờ trở thành một vũng nước đọng xanh ngắt một màu thời gian. Địa điểm từng là một thương cảng xưa như một chứng nhân lịch sử, là bằng chứng sinh động quá trình khai phá của cư dân vùng đất vùng đất này.
Những địa điểm như Bãi Xàu thường là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học, nhất là Văn học dân gian. Hình ảnh những con thuyền xuôi ngược, những nhà buôn tấp nập đã đi vào các trang viết của Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hoà, Trần Đắc Hiển Khánh, .... Đôi khi, địa điểm còn mang tính biểu tượng, là phông nền cho những truyện kể mang tinh thần nhân văn sâu sắc. Các nhà văn có thể dựa vào dừ liệu lịch sử và văn hoá tại đây để phát triển những tác phẩm đầy tính nghệ thuật và giàu giá trị tinh thần.
Hai câu đối trước đình Mỹ Xuyên với nội dung nói về nghề làm men rượu
Phiên âm Hán Việt:
Mỹ lộc chi thuần dao, hiệu bỉ lý tiên thành tai! xuân kì thu báo/
Xuyên cốc kỳ pháp lang, bảo ngã lê thứ cửu hĩ! đại hữu phong niên.
Nghĩa:
Phước lộc có được rượu ngon, bắt chước Lý tiên kia chân thật thay! xuân cầu ước thu tạ ơn
Báu vật quý ở vựa lúa, bảo vệ dân mình lâu bền vậy! hết thảy năm nào cũng được mùa
Những địa điểm như Bãi Xàu Cũ là "phòng học thực tế" cho các hoạt động giáo dục của địa phương trong chương trình Giáo dục phổ thông hiện nay. Khi học sinh được trực tiếp khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm về các dấu tích địa phương sẽ nhận thấy tính sinh động và cụ thể của lịch sử. Việc học không còn giới hạn trong sách vở, mà được làm phong phú bằng những chuyến tham quan, nghiên cứu ngoại khoá. Điều này không chỉ giúp củng cố kiến thức, mà còn khởi gợi đam mê tìm hiểu văn hóa địa phương, để học sinh nhận thức rõ hơn về bản sắc dân tộc, trong đó thương cảng Bãi Xàu là không thể thiếu.
Du lịch là cách khai thác hiệu quả nhất giá trị của những địa điểm như Bãi Xàu. Các chuyến tham quan kết hợp giữa du lịch văn hóa và du lịch sinh thái có thể tạo điều kiện cho du khách khám phá lịch sử, trải nghiệm đời sống địa phương và tham gia vào các hoạt động gắn với văn hoá bản địa như đờn ca tài tử, hay các trò chơi dân gian. Không gian văn hoá thị trấn Mỹ Xuyên vốn còn hàm chứa nhiều điều tuyệt vời cần khai phá.
Chính quyền và người dân địa phương có thể hợp tác trong việc bảo tồn, phát huy địa điểm. Việc xây dựng các tour du lịch "xuyên thời gian" hoặc tái hiện các hoạt động lễ hội truyền thống là những phương thức đối mới, vừa thu hút du khách vừa góp phần giáo dục và quảng bá bản sắc dân tộc.
Giá trị của những địa điểm như ấp Bãi Xàu Cũ vượt xa giá trị vật chất, gắn kết giữa văn hoá, văn học và giáo dục một cách chặt chẽ. Từng địa điểm, địa danh, ngôi chùa hay dòng sông chúng ta còn thấy hôm nay lại là những kho báu tinh thần cần được trân trọng và khai thác hiệu quả, nhất là trong việc bảo tồn văn hoá và phát triển du lịch bền vững. Nếu có những hoạt động thực tế, chúng ta không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người hiện tại, mà còn góp phần giáo dục thế hệ mai sau biết trân quý lịch sử và giá trị truyền thống.
Bài và ảnh: Huỳnh Vũ Lam