Lượt xem: 1048
Danh nhân văn hóa
25/07/2024
Câu hỏi: Thế nào là danh nhân văn hóa, danh nhân văn hóa thế giới? Các danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam?
Trả lời:
Danh nhân văn hóa là những con người, những nhân vật kiệt xuất có tiếng tăm, có cống hiến lớn lao cho nền văn hóa dân tộc, được lịch sử, dân tộc, người dân biết đến, ghi nhận và đánh giá cao, đại diện, tiêu biểu, biểu trưng cho một nền văn hóa.
Danh nhân văn hóa thế giới là những danh nhân văn hóa có tiếng tăm trên thế giới, những nhân vật có đóng góp xuất sắc không chỉ cho sự phát triển văn hóa của dân tộc mà còn cho sự phát triển văn hóa chung của nhân loại, là đại diện, biểu trưng cho một nền văn hóa thế giới đa bản sắc, vừa thấm đẫm văn hóa dân tộc, vừa thắm đượm tinh hoa văn hóa nhân loại.
Mỗi một dân tộc, một nền văn hóa dân tộc có thể có nhiều danh nhân văn hóa, song có rất ít người đạt tới tầm cỡ danh nhân văn hóa thế giới.
Nước ta đã có ba người được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.
Nguyễn Trãi. Nguồn: Wikipedia
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, vốn là người xã Chi Ngại, lộ Lạng Giang (nay thuộc Hải Dương) sau dời về Nhị Khê, lộ Đông Đô (nay thuộc Hà Nội), là một nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam với tư cách là nhà văn, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng, nhà sử học, địa lý học... Con người văn chương của ông thể hiện qua các tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Phú Chí Linh, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn vĩnh lăng, Dư địa chí, Quân trung từ mệnh tập, Luật thư... Con người chính trị của ông thể hiện ở chính sách thân dân, thu phục nhân tâm để diệt bạo tàn, kết hợp vũ trang và địch vận, quân sự và ngoại giao. Con người văn hóa của ông biểu lộ ở chủ nghĩa nhân văn lành mạnh, lấy nhân nghĩa, thân dân làm gốc, lấy văn trị làm phương châm xây dựng đất nước, lấy ý thức tự cường văn hóa dân tộc làm cơ sở cho bảo tồn, xây dựng, phát triển văn hóa, văn hiến, văn minh dân tộc... Đánh giá những đóng góp xuất sắc, đa dạng của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và sự phát triển những giá trị văn hóa, nhân văn nhân loại, năm 1980, Uy ban Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên hợp - quốc (UNESCO) đã công nhận Nguyễn Trãi là danh nhân văn hoá thế giới.
Tượng Nguyễn Du. Nguồn:wikipedia
Nguyễn Du (1766-1820), hiệu Thanh Hiên, là bậc đại thi hào của Việt Nam, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sự nghiệp sáng tạo văn học của Nguyễn Du lớn về số lượng, đa dạng về thể loại, bao gồm các bài thơ chữ Nôm: Thác lời trai phường nón, Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu; các tập thơ chữ Hán Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục... Đặc biệt đáng chú ý là Văn tế thập loại chúng sinh và đỉnh cao là Truyện Kiều (dựa theo Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân ở Trung Quốc). Truyện Kiều đã chuyển tải được tâm hồn dân tộc qua thể thơ lục bát sâu lắng, diễm lệ, rất nổi tiếng và có ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam, trở thành "sách gối đầu giường" đối với mọi người, thậm chí thành sách bói, thành đối tượng của các hình thức đố Kiều, lảy Kiều, vịnh Kiều, kể Kiều... và ảnh hưởng trở lại cả thơ ca, hò vè dân gian. Ghi nhận những cống hiến lớn lao về nghệ thuật thi ca của ông, năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.
Hồ Chí Minh. Nguồn: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), còn có tên là Nguyễn Sinh Cung (Cuông), Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc..., quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn nhất; người lãnh đạo cách mạng Việt Nam tới thành công; là linh hồn của các cuộc kháng chiến cứu nước, công cuộc xây dựng Tổ quốc và phát triển văn hóa, xã hội. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng triết học phương Đông và phương Tây, dân tộc và nhân loại, đặc biệt là phép biện chứng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp thực tiễn cách mạng Việt Nam với kinh nghiệm đấu tranh giải phóng chống áp bức, bóc lột trên toàn thế giới, Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những biểu tượng của sự nghiệp đấu tranh chống áp bức, bóc lột, giải phóng dân tộc, chống lại chế độ thực dân cũ và mới trên toàn thế giới. Với phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu, người con trung hiếu của dân tộc, hiến dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc, cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đại diện cho khát vọng độc lập cho mỗi dân tộc, tự do cho mỗi nhân cách; là hiện thân khát vọng nhân văn của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa của mình. Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo tiên tiến nhất, không chỉ chiến đấu cho dân tộc mình mà còn cho cả nhân loại, không chỉ quan tâm đến nhiệm vụ hôm nay mà còn mang những hoài bão lớn đối với xã hội tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản văn hóa lớn, một chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo đặc sắc, một tư tưởng đạo đức trong sáng, giản dị, gần gũi. Ngoài tư tưởng chiến lược và thiên tài giải phóng dân tộc, đóng góp lớn nhất của Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại là tư tưởng đạo đức mới, thể hiện chủ nghĩa nhân văn kiểu mới, hết sức mẫu mực và sáng trong. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học nhân văn trong và ngoài nước thì tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là một đóng góp rất quan trọng vào nền văn minh nhân loại, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghệ trí tuệ. Sự thành công của Hồ Chí Minh về nhiều mặt là do tinh hoa dân tộc kết hợp với tinh hoa nhân loại, truyền thống dân tộc kết hợp với cái mới, cái hiện đại của nhân loại... Nhận xét của một học giả phương Tây về Người: “Cái làm nên sự vĩ đại của Hồ Chí Minh, có lẽ là cái bình thường nhất của Cụ. Bất chấp những dáng nét có tính cách huyền thoại và đôi khi kỳ lạ của một cuộc đời toàn tâm toàn ý hiến dâng cho cách mạng, cho những người mà Cụ cho là bình đẳng chứ không phải là thần dân của mình” chính là sự cảm nhận đến gốc gác chủ nghĩa nhân văn kiểu mới Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc với nhiều tác phẩm thơ, văn, họa, kịch... lớn có sức sống dài lâu. Đáng chú ý là các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh, Nhật ký chìm tàu, Nhật ký trong tù, Truyện và ký...
Với đạo đức, tư tưởng, nhân cách, ý chí và tài năng trên nhiều lĩnh vực, Hồ Chí Minh xứng đáng là biểu tượng của một nền văn hóa, văn minh tương lai, xứng đáng là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà triết học vĩ đại, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lỗi lạc, uyên thâm.
Do có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới và những đóng góp xuất sắc về tư tưởng, đạo đức, chủ nghĩa nhân văn và văn hóa..., nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Người (1990), Ủy ban Khoa học - Giáo dục - Văn hóa của Liên hợp quốc đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
(Nhiều tác giả, Hỏi đáp về Văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật – Nxb Văn hóa Dân tộc, 2015, tr.16-22)
Bài và ảnh: Huỳnh Vũ Lam
|