Lượt xem: 1090
Văn hóa là gì?
Bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta xác định: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, coi đó vừa là mục tiêu , vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 

Câu hỏi 1: Văn hóa là gì?

Trả lời:

         Cho tới nay đã có hơn 400 định nghĩa khác nhau về văn hoá bởi mỗi học giả đều xuất phát từ những cứ liệu riêng, góc độ riêng, mục đích riêng phù hợp với vấn đề mình cần nghiên cứu.
         Tại Hội nghị quốc tế diễn ra từ ngày 26-7 đến ngày 6-8-1982 tại Mêhicô, UNESCO đã đưa ra định nghĩa văn hóa như sau:
         Văn hoá là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Văn hoá bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng. Văn hoá đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hoá đã làm cho chúng ta trở thành những sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách có đạo lý. Chính nhờ văn hoá mà con người tự thể hiện, tự ý thức được bản thân, tự biết mình là một phương án chưa hoàn thành đặt ra để xem xét những thành tựu của bản thân, không ngừng tìm tòi những ý nghĩa mới mẻ và sáng tạo nên những công trình mới, vượt trội bản thân.

Ngôi nhà là một biểu hiện của văn hóa

Câu hỏi 2: Văn hoá có những chức năng gì?

Trả lời:
         Đứng từ góc độ bản chất của văn hoá xem văn hoá là một tổng thể của rất nhiều hoạt động phong phú và đa dạng để sản xuất, sáng tạo ra các sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể nhằm tác động tới con người và xã hội với mục đích cao cả nhất là vì sự phát triển và hoàn thiện con người và xã hội thì văn hoá có các chức năng: giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ và giải trí.
         Chức năng giáo dục: Là chức năng mà văn hoá thông qua các hoạt động, các sản phẩm của mình nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người, làm cho con người dần dần có những phẩm chất và năng lực theo những chuẩn mực xã hội đề ra. Văn hoá thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng những giá trị đã ổn định là truyền thống văn hoá mà còn bằng cả những giá trị đang hình thành. Các giá trị này tạo thành một hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới. Nhờ vậy, văn hoá đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách ở con người, trong việc "trồng người". Với chức năng giáo dục, văn hoá tạo nên sự phát triển liên tục của lịch sử mỗi dân tộc cũng như lịch sử nhân loại. Văn hoá duy trì và phát triển bản sắc dân tộc và là cầu nối hữu nghị gắn bó các dân tộc, gắn kết các thế hệ trong mục tiêu hướng đến Chân - Thiện- Mỹ. Văn hoá là "gien" xã hội di truyền phẩm chất cộng đồng người cho các thế hệ sau.

Bữa cơm gia đình là biểu hiện của giá trị văn hóa Việt Nam

         Chức năng nhận thức: Là chức năng đầu tiên, tồn tại trong mọi hoạt động văn hoá. Bởi, con người không có nhận thức thì không thể có bất cứ một hành động văn hoá nào. Nhưng quá trình nhận thức này của con người trong các hoạt động văn hóa lại được thông qua đặc trưng, đặc thù của văn hóa. Nâng cao trình độ nhận thức của con người chính là phát huy những tiềm năng ở con người.
         Chức năng thẩm mỹ: Cùng với nhu cầu hiểu biết, con người còn có nhu cầu hưởng thụ, hướng tới cái đẹp. Con người "nhào nặn" hiện thực theo quy luật của cái đẹp cho nên văn hóa phải có chức năng này. Nói cách khác, văn hoá là sự sáng tạo của con người theo quy luật của cái đẹp, trong đó văn học nghệ thuật là biểu hiện tập trung nhất sự sáng tạo ấy. Với tư cách là khách thể của văn hóa, con người tiếp nhận chức năng này của văn hóa và tự thanh lọc mình theo hướng vươn tới cái đẹp và khắc phục cái xấu trong mỗi người.
         Chức năng giải trí: Trong cuộc sống, ngoài hoạt động lao động và sáng tạo, con người còn có nhu cầu giải trí. Các hoạt động văn hoá sẽ đáp ứng được các nhu cầu ấy. Như vậy, sự giải trí bằng các hoạt động văn hoá là bổ ích, cần thiết, góp phần giúp cho con người lao động, sáng tạo có hiệu quả hơn và giúp con người phát triển toàn diện.
         Với các chức năng trên, chứng tỏ văn hoá có một đời sống riêng, quy luật hoạt động riêng nhưng lại không nằm ngoài kinh tế và chính trị vì sự phát triển và hoàn thiện con người và xã hội là mục tiêu cao nhất của văn hoá.
                         (Nhiều tác giả, Hỏi đáp về Văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật – Nxb Văn hóa Dân tộc, 2015, tr.9-12)
Bài và ảnh: Huỳnh Vũ Lam

 

 

video
  • Hội diễn Văn nghệ quần chúng Ooc om boc 2024 (02/11/2024)
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 118
  • Hôm nay: 1602
  • Trong tuần: 17 184
  • Tất cả: 1089798
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.