Lượt xem: 2578
Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Khleang
Chùa Khleang tọa lạc tại số 53, đường Tôn Đức Thắng, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 84-QĐ, ngày 27/4/1990, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

         Theo một tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ Khmer thì vào giữa đầu thế kỷ XVI, một viên quan cai quản vùng Sóc Trăng tên là "Tác" đã cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do nhân dân đóng góp. Vì vậy ông đã đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srock Khleang (tiếng Khmer cổ nghĩa là xứ có kho), khi người Kinh và người Hoa đến sinh sống và định cư vùng đất này gọi trại âm ra là "Sóc Kha Lang" rồi dần dần âm sau đọc trại thành Sóc Trăng.

         Cũng theo thư tịch cổ Khmer của Chùa Khleang hiện còn lưu giữ, ngôi chính điện đầu tiên được khởi công xây dựng vào năm 1.532 và không biết tồn tại đến bao nhiêu năm? riêng ngôi chính điện hiện nay được xây dựng hoàn thành vào năm 1918, tức là vào thời gian đại đức Liêu Đuông làm trụ trì chùa. Trong quá trình xây dựng ngôi chính điện này nhà chùa có rước hai nghệ nhân tên là Chao và Clao từ Campuchia về tham gia xây dựng. 

         Chùa Khleang là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chính điện, ngôi sala (nhà hội của sư sãi và tín đồ), nhà ở của sư trụ trì (có phòng lưu trữ kinh kệ, sách báo, tài liệu bên trong), các nhà ở của sư sãi (am), các tháp đựng tro cốt người chết, lò thiêu, nhà khách, hội trường, trường Trung cấp Pali Nam Bộ (trường dạy bằng tiếng Pali)…Trong đó nổi bật nhất là ngôi chính điện nằm biệt lập ở bên trái con đường dẫn vào chùa. Toàn bộ các công trình tọa lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ và cây thốt nốt, có tường rào bao quanh, tổng diện tích 3.825 m2, cổng chùa Khleang nhìn ra hướng Đông giáp với đường Tôn Đức Thắng, các tường rào bao quanh nhìn ra hướng Nam giáp đường Nguyễn Chí Thanh, hướng Tây và Bắc giáp khu dân cư.

         Ngôi chính điện chùa Khleang là nơi tập hợp nhiều tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và có nhiều giá trị đặc biệt. Toàn bộ các cửa sổ và cửa đi đều làm bằng gỗ, được chạm khắc công phu từ các nhân vật tiên nữ phối hợp các loại hình kỷ hà, hoa lá... được bố cục gọn gàng, với những đường nét uyển chuyển. Bên trong có 12 cột tròn bằng gỗ quý, được sơn mài đen, vẽ hình rồng và hoa lá bằng nhũ vàng theo môtíp cổ điển của Trung Hoa. Ngoài ra, còn có tác phẩm nghệ thuật của người Kinh trên bức võng cửa của chùa. Toàn bộ khung và cánh cửa của ngôi chính điện chùa Khleang là một kỳ công của nghệ thuật điêu khắc gỗ với trình độ hết sức điêu luyện. Nơi đây còn lưu giữ lại những dấu vết, tài năng khắc gỗ của nghệ nhân Khmer mà chúng ta ít thấy ở nơi khác trên đồng bằng sông Cửu Long. Trên các cánh cửa gỗ, nghệ nhân Khmer thể hiện cuộc giao đấu giữa tiên nữ và Chằn. Cả hai nhân vật, một đại diện cho phái thiện, một đại diện cho phái ác, quyết tâm giao đấu một mất một còn. Mình mặc giáp trụ, đầu đội mũ nhọn, người thì đứng trên Reach cha sei, kẻ thì đứng trên Krut cả hai có vẻ trông như ngang tài ngang sức, bất phân thắng bại. Để làm nên cho khung cảnh đó, là một rừng hoa văn chi chít những họa tiết. Bố cục gọn gàng, đầy đủ, đường nét uốn lượn, uyển chuyển, nét đục rất khoẻ, tỉ mỉ làm chúng ta liên tưởng đến đôi bàn tay khéo léo, sự kiên nhẫn lâu dài, bộ óc thông minh sáng tạo của các bậc nghệ nhân Khmer tiền bối.

         Bên cạnh đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Khleang là cơ sở nuôi chứa, che chở và bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng và tích cực tham gia nhiều hoạt động trong công tác chính trị, binh vận ở địa phương. Tiêu biểu phải kể đến đó là đại đức Trần Kế An, một chiến sỹ cách mạng kiên cường, một nhà sư yêu nước. Đại đức Trần Kế An đã tham gia hoạt động cách mạng bí mật tại chùa Khleang, ông đã vận động được nhiều lực lượng trong giới sư sãi và đồng bào Khmer tham gia đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, tổ chức đấu tranh trực diện đòi quyền tự do ngôn ngữ và chữ viết, bảo vệ văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Khmer và mạnh dạn lên án mưu đồ thực hiện chính sách đồng hoá dân tộc của Mỹ - Diệm. Vì thế đại đức Trần Kế An đã bị bọn mật thám ám sát năm 1959. 

         Chùa Khleang là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, mỗi hạng mục trong chính điện là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sự tập hợp và sắp xếp hài hòa thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong quá trình giao lưu văn hóa và cộng cư, sinh sống đã biết đoàn kết và học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển./. 

Một số hình ảnh về chùa:
 
Nguyễn Văn Dũng - biên tập

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 86
  • Trong tuần: 5 560
  • Tất cả: 791909
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.