Mỗi khi nghe cơn gió đưa “mùi Tết” về, tôi lại nhớ Tết ở quê. Quê ở đây là quê ngoại của tôi, Cù Lao Dung nằm cuối dòng sông Hậu.
Nhớ năm ấy, tôi còn học cấp 2. Khi được nhà trường cho nghỉ Tết, cả nhà tôi ngồi mấy lượt đò để về ngoại ăn Tết. Ở quê, Tết đến, nhà nào cũng gói bánh ít, bánh tét. Nhà ngoại tôi cũng không ngoại lệ. 25 Tết, bà ngoại kêu tôi cùng mấy anh em con cậu, con dì bưng thúng đi rọc lá chuối về để 29 Tết gói bánh. Bà ngoại dặn: “Rọc lá chuối xiêm nghe tụi bây, chứ lá chuối già là gói bánh ăn đắng nghét đó”. Ở ngoại hồi ấy, hầu như con bờ nào cũng có trồng chuối xen lẫn với mấy cây khác. Chính vì vậy, chúng tôi tha hồ rọc lá. Còn mấy dì, mấy mợ thì xúm lại đảo nếp, xay bột. Hồi ấy, cách nay 30 năm, ở quê làm gì có bán bột sẵn như bây giờ. Muốn có bột gói bánh thì phải ngồi xay tay gần một ngày trời bằng cái cối đá nặng trịch. Mấy cậu, mấy dượng thì mài khoai mì quết bánh phồng “lịch phịch”.
Bánh tét: Ảnh: Nhật Huy
Ngoại tôi có tới 10 người con. Cháu đông nên ngoại thường hay gói nhiều bánh. Bánh ít gần 400 cái. Còn bánh tét chừng 50 đòn trở lên. Tôi còn nhớ cái ngày nấu bánh, dì Tư với dì Sáu hấp bánh ít ở bếp lò trong nhà, còn mợ Tám và mợ Chín thì nấu bánh tét bên cái chái cặp vách nhà sau. Chái hong nhà sau của ngoại có bộ ván mù u cũ sì. Trên mái chái, lá lộp đã cũ nên có nhiều lỗ dột. Mặt trời rọi xuyên qua những lỗ dột ấy đi thẳng xuống bộ ván mù u. Đường xuyên của ánh nắng mặt trời được làn khói của nồi bánh tét tô điểm giống như những tia sáng của ánh đèn pin. Bà ngoại ngồi trên bộ ván ép mứt chuối bị tia sáng ấy rọi nóng cả lưng. Bà nhìn lên mái chái nói: “Cha chả, ra ngoài ngày phải lo lộp lại cái chái này mới đặng”. Ở quê do đặc thù ruộng rẫy quần quật suốt năm nên đến Tết nhiều nhà có những mái chái như vậy cũng đành hẹn ra sau Tết mới lợp lại.
Ngày 30. Sau khi rước ông bà xong, chạng vạng tối, mấy cậu và mấy dượng trải hai manh đệm nối đầu nhau ở trước hàng ba nhà ngoại. Đốt hai cây đèn dầu để ở hai đầu đệm. Sau đó dọn ra, nào là ruột heo khìa, dưa kiệu, rau cải và mấy chén thịt heo kho hột vịt. Rồi mấy cậu và mấy dượng xúm lại ngồi xoay quanh trên đệm và nhâm nhi ly đế. Tôi nhớ dượng Năm ưa cải bắp chấm với nước thịt heo kho dữ lắm. Hễ uống xong nửa ly rượu là dượng quấn một miếng lá cải bắp chấm vào chén thịt kho, nhai gậu gậu giòn tan thấy thật là ngon lành. Nhậu một lác “cửng cửng”, cậu Tám tôi đem cây đàn gui-ta phím lõm (đàn thùng) ra để đàn ca. Cậu Tám tôi, “ba nam, sáu bắc, bảy bài” trong đờn ca tài tử cậu bấm cũng được bộn. Vậy là cậu Tám đàn, mấy dượng thay nhau hát. Mấy dì, mấy mợ nghe một hồi cũng nổi hứng giơ tay xin hát. Dì, mợ tôi ca thường hay chin nhịp. Nhưng không sao, cậu Tám rước theo ăn song loan nghe “chát chát”. Đang đàn ca hào hứng, bỗng tim đèn lụn dần, thì ra nó hết dầu. Mọi người đành phải ngưng lại, châm dầu rồi mới chơi tiếp. Cuộc chơi hào hứng cho tới khuya vẫn không chán. Đám con nít chúng tôi ngày ấy, nghe đàn ca tài tử cũng khoái nên đến giao thừa mà chưa buồn ngủ.
Cù Lao Dung giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Điện về rực sáng một vùng quê. Giao thông đã rộng mở, đường về quê ngoại không còn xa xôi nữa. Thế nhưng những cái Tết nhà ngoại lại buồn hơn xưa. Con cháu mỗi người do có một đặc thù công việc riêng nên có người đến Tết cũng không thể về chung vui cùng ngoại được. Ngoại giờ đã già lụm cụm. Tết rồi tôi về quê, thấy mắt ngoại buồn mà tôi cũng buồn lây. Hình ảnh mọi người rộn rịp đảo nếp, xay bột, quết bánh phồng cũng không còn. Mợ Út tôi mua bột chợ về gói mớ bánh ít để cúng ông bà cho có tục ngày Tết mà thôi. Đêm 30, tôi xem một số chương trình trực tiếp ca múa nhạc trên ti vi mà lòng lại nhớ da diết hình ảnh dì dượng, cậu mợ xúm xít ngồi trên đệm bên hai cây đèn dầu đàn ca tài tử đón giao thừa năm xưa. Năm xưa – Tết xưa đã hằn sâu trong kí ức tôi và chắc có lẽ cũng trong đôi mắt sâu của ngoại. Vì vậy, mỗi khi nghe cơn gió đưa “mùi Tết” về, tôi lại nhớ Tết xưa.