Lượt xem: 3364
Di tích lưu niệm danh nhân Lương Định Của
        Một trong những nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp là Lương Định Của, một người con của quê hương Sóc Trăng. 

        Ông sinh ngày 16/8/1920 tại xã Đại Ngãi huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình trí thức giàu có. 

        Từ nhỏ, Ông nổi tiếng thông minh học giỏi. Lúc 12, 13 tuổi đã mồ côi cha mẹ, nên được người Bác trong họ tộc nuôi dưỡng, cho đi học ở Sài Gòn, lấy bằng tú tài (baccalaurréat) lúc 17 tuổi. Sau đó, Ông tiếp tục sang học Đại học Y khoa và tiếng Anh ở Hồng Kông. Học đến năm thứ 3 thì Lương Định Của xin ý kiến người Bác để sang Trung Quốc theo học Đại học Kinh tế tại Thượng Hải.

        Do chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, nên nhà trường đóng cửa. Sau khi xin ý kiến gia đình, Lương Định Của tìm cách qua Nhật Bản, vừa tự mưu sinh vừa làm đơn xin vào họcKhoa Nông nghiệp trường Đại học Quốc Lập Kyusu (tỉnh Fukuoka, trên đảo Kyushu). Do tài năng học tập được nhà trường đánh giá cao nên Ông được đặc cách vào học năm thứ 3 của khoa này. Năm 1945, Lương Định Của tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp và lập gia đình với cô NobukoNakamura, 23 tuổi, một nữ sinh viên quê ở Kyushu, đã tốt nghiệp Đại học Nữ công.  

        Tháng 9/1945, hay tin nước nhà độc lập, hăm hở muốn tìm cách trở về quê hương ngay nhưng rồi theo lời khuyên của anh em là cần phải trau dồi thêm tri thức để có thể trở về giúp ích nước nhà, Lương Định Của nén lòng ở lại nước Nhật và làm việc trong Viện Thực nghiệm, Trường Đại học Quốc lập Kyushu. Một thời gian sau, Lương Định Của tiếp tục ghi tên học ngành Di truyền chọn giống ở Tây Kinh (Kyoto), chuyên sâu về tế bào học. Với sự thông minh, nghiêm túc và cần cù trong học tập, nghiên cứu, Lương Định Của đã tốt nghiệp, được nhận  bằng Bác sĩ Nông học loại ưu. Đây là học vị cao nhất trong ngành Nông học Nhật Bản và Lương Định Của là người thứ 96 trên nước Nhật được nhận học vị này. Chính phủ Nhật phong Lương Định Của là Giáo thụ trường Đại học Quốc lập Kyushu.

        Lúc này, Lương Định Của càng nung nấu trong lòng ý định có ngày về Tổ quốc. Năm 1952, được sự đồng tâm của người vợ Nhật, Lương Định Của và vợ cùng 2 người con đã xuống tàu sang Hồng Kông để tìm đường về nước. Đến Hồng Kông, toàn bộ đồ đạc bị thất lạc, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn học là anh Trương Văn Hi, Lương Định Của và gia đình nhỏ của mình mới về đến Sài Gòn an toàn cùng với 1 chiếc va-li lúa giống mà Ông luôn cẩn thận mang theo người.


Cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm

        Được tin Lương Định Của về nước, Chính quyền thân Pháp ở Sài Gòn cử người đến tiếp xúc, hứa hẹn nhiều việc làm và chức vụ cho Ông, kể cả kế hoạch giao cho Ông phụ trách một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở Mỹ Tho. Viện cớ mới về nước, không am hiểu được tình hình, nên Ông chỉ nhận một chân hợp đồng ở Bộ Canh nông và  ngấm ngầm tìm cách liên lạc với cơ sở kháng chiến. Sau gần 2 năm chờ đợi, Thành ủy Sài Gòn bí mật cử giao liên đưa gia đình theo đoàn cán bộ tập kết ra Bắc vào cuối năm 1954.

        Trong 2 năm đầu ở miền Bắc, Lương Định Của được phân công ở bộ phận Tổ lúa, rồi làm nhiệm vụ phó phòng Khảo cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nông lâm, còn bà Nobuko Nakamura được nhận vào công tác trong một phòng khác thuộc Viện. Sau đó, do con đông, lại đau yếu luôn, nên bà Nobuko Nakamura phải xin nghỉ việc để chăm sóc con cái, đến năm 1962 mới làm việc lại ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Năm 1956, Trường Đại học Nông Lâm được thành lập ở Văn Điển, Lương Định Của được phân công làm Phó Hiệu trưởng của Trường phụ trách khoa học kỹ thuật, rồi lần lượt giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa II đến khóa V, đồng thời là Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản.

        Trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, người cán bộ đầu tàu của ngành Di truyền đã vừa nghiên cứu vừa tham gia giảng dạy. Nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của Lương Định Của về nông nghiệp đã ra đời, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp của miền Bắc lúc bấy giờ. Lương Định Của là cha đẻ của giống lúa Nông nghiệp 1- giống lúa lai đầu tiên ở nước ta, lai tạo giữa giống lúa Ba Thắc (Nam bộ) với giống lúa Bun Kô (Nhật Bản); giống lúa Mùa muộn, giống lúa Chiêm 314, giống lúa 388 được phân lập từ dòng IR8 hay là Nông nghiệp 8; giống lúa Xuân sớm (Nông nghiệp 75-1),… Ngoài  nghiên cứu lai tạo các giống lúa, Bác sĩ Nông học Lương Định Của còn nghiên cứu các loại rau củ khác như giống dưa hấu không hạt, rau muống, khoai lang, cà chua,…  đem lại năng suất cao, phù hợp mùa vụ và loại đất trồng. Những nghiên cứu và thành công về các giống cây trồng mới của nhà khoa học đã được những người nông dân, các xã viên hợp tác xã ở các tỉnh miền Bắc tiếp nhận, thay đổi tập quán cũ, canh tác lúa, rau củ giống mới đạt năng suất cao hơn. Vì vậy, các giống khoai, dưa của nhà khoa học còn được gọi một cách dân dã là giống “khoai lang ông Của”, giống “dưa lê ông Của”  v.v. . .

        Hiệu quả của các công trình nghiên cứu của Ông được Chính phủ và nhiều Bộ ngành đánh giá cao và tặng Bằng khen. Đặc biệt, Bác sĩ Nông học Lương Định Của được tặng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 1961 và 1962; vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Nhà nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 1/1/1967 cùng với 110 cá nhân có thành tích nổi bật trên nhiều lĩnh vực khác.

        Sau ngày mất 28/12/1975, nhà khoa học đầu đàn trên lĩnh vực nông nghiệp của nước ta được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhất  ký ngày 29/12/1975.

        Năm người con (3 nam, 2 nữ) của nhà Bác sĩ Nông học Lương Định Của và Nobuko Nakamura đều nối gót theo chí hướng khoa học của người cha, lần lượt tốt nghiệp Đại học hoặc sau đaị học, trong này có 3 người là nhà khoa học về nông nghiệp, 1 là ngành y và 1 là nhà vật lý.
 
        Riêng Bà Nobuko Nakamura, sau khi ông qua đời, Bà vẫn ở lại Việt Nam và hiện đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh, cùng người con trai trưởng, anh Lương Hồng Việt đã về hưu. 

        Trân trọng những đóng góp và ghi nhớ công lao của một trong những nhà trí thức khoa học tiêu biểu của đất nước, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) đã ký quyết định đổi tên Trường cấp 2-3 thị trấn Long Phú, huyện Long Phú và đặt tên một con đường của thị xã Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng) hướng về Đại Ngãi thành tên của nhà Bác sĩ Nông học Lương Định Của. Ngày 12/5/2004, UBND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định số 655/QĐ.HC.04 công nhận Di tích cấp tỉnh điểm lưu niệm danh nhân Lương Định Của ở ấp Ngãi Hội 1, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú…

        Tên Ông được đặt cho một số trường và đường ở TP.Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, TP. Cần  Thơ v.v. . ..

        Năm 2009, UBND tỉnh Sóc Trăng đã quyết định xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Bác sĩ Nông học Lương Định Của tại trung tâm thị trấn Long Phú, huyện Long Phú.            

        Sau một thời gian thi công, công trình xây dựng Nhà tưởng niệm này được huyện Long Phú làm lễ khánh thành đưa vào hoạt động từ tháng 4/2012.

        Nhà tưởng niệm có diện tích sử dụng hơn 1.350m2 với kinh phí xây dựng 4.7 tỷ đồng được trích từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước. Các hạng mục bên trong như trang trí nội thất, trưng bày hình ảnh, hiện vật cũng như tạo quang cảnh, trồng hoa kiểng trước Nhà Lưu niệm đều được thực hiện đúng theo thiết kế.

        Ngoài việc trân trọng ghi nhớ công ơn của một nhà khoa học đã suốt đời phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, công trình còn có tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là truyền thống nghiên cứu khoa học nông nghiệp.

        Nhà tưởng niệm là một trong những điểm tham quan của những nhà khoa học, sinh viên học sinh trong cả nước, của những đoàn khách du lịch. Đặc biệt, là những đoàn khách Nhật Bản. Từ đó, sẽ góp phần làm tăng thêm mối quan hệ Nhật Bản với Việt Nam nói chung và đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Tin  tưởng rằng, với những tư liệu phong phú được tập hợp trong Nhà trưng bày sẽ góp phần xây dựng thêm điểm đến mới cho khách du lịch trong và ngoài nước./.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Sóc Trăng

 

 

video
  • LỄ HỘI CỦA ĐỒNG BÀO KHMER NAM BỘ (11/12/2024)
  • Liên hoan đờn ca tài tử (20/11/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 162
  • Trong tuần: 9 886
  • Tất cả: 1234882
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.