Công tác thu thập cơ sở dữ liệu của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thực hiện Đề án chuyển đổi số
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và nhà nước về việc chuyển đổi số, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã khởi động và bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiệm vụ nổi bật của Sở là thực hiện Đề án số 03 ngày 06/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó 3 lĩnh vực ưu tiên của ngành VHTTDL gồm: xây dựng và triển khai ứng dụng phần mềm du lịch thông minh, phần mềm Bảo tàng thông minh và chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Sở VHTTDL đã đặt trọng tâm ở công tác thu thập cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển số trong lĩnh vực du lịch, bảo tàng, thư viện. Đối với ứng dụng phần mềm du lịch thông minh, thực hiện có hiệu quả 3 mục tiêu chính là xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất; tập trung hệ tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung phục vụ cho công tác của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho du khách và công chúng, gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi và ngày một tốt hơn như: tin tức, sự kiện, video giới thiệu, điểm đến, lưu trú, ẩm thực, mua sắm, đặt phòng và nhiều tiện ích giải trí khác. Việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, hình ảnh để triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu cho Cổng thông tin du lịch thông minh và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Đến nay, cơ sở dữ liệu của hệ thống du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh được cập nhật tương đối đầy đủ để có thể đưa vào vận hành thử nghiệm.
Bên cạnh đó, Sở đã tiến hành xây dựng đề cương và dự toán chi tiết và đưa vào triển khai ứng dụng app Bảo tàng thông minh (hệ thống cơ sở dữ liệu các tư liệu, hiện vật của các di tích lịch sử văn hoá, văn hoá, làng nghề truyền thống, văn hoá phi vật thể,… của tỉnh). Xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện vật trên nền tảng công nghệ số phục vụ công tác nghiệp vụ của bảo tàng như lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và quảng bá thông tin hiện vật. Ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới vào công tác trưng bày, tuyên truyền và quảng bá của Bảo tàng, hình thành phương thức trải nghiệm mới cho khách tham quan bảo tàng. Du khách có thể dễ dàng tiếp cận, tham quan, tra cứu, tìm hiểu các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng theo phương thức trực tuyến mà không bị ràng buộc về thời gian và vị trí địa lý. Qua đó đổi mới phương thức hoạt động nghiệp vụ và ứng dụng chuyển đổi số cho Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về các giá trị truyền thống văn hoá lịch sử của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện vật sẽ giúp tiến đến hiện đại hóa hệ thống trưng bày, thuyết minh, giới thiệu để tạo tính tương tác, giúp người xem nắm bắt thông tin một cách trực tiếp trên các thiết bị công nghệ như máy tính và điện thoại thông minh.
Quang cảnh buổi làm việc với đơn vị tư vấn về Hệ thống du lịch thông minh
Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện và chia ra 2 giai đoạn (từ 2021 đến năm 2025, và từ 2026 đến năm 2030) với số tiền dự kiến khoảng 5 tỷ đồng. Giai đoạn 1 có nhiệm vụ hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số của hệ thống thư viện tỉnh, huyện, thị xã và thành phố. Bên cạnh đó, thực hiện sưu tầm, thu thập và số hóa tài liệu địa phương phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh; sưu tầm, thu thập và số hóa tài liệu cổ (trên lá Buông của người dân tộc Khmer), tài liệu quý hiếm, tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học về địa phương. Ngoài ra, Sở còn đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý thư viện nhằm thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu, thống nhất chuẩn nghiệp vụ đã được chuẩn hóa; thực hiện chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung trong hệ thống Thư viện công cộng; thu thập, bổ sung (mua, thuê) cơ sở dữ liệu sách điện tử từ các đơn vị phát hành, trung tâm dữ liệu, nhà xuất bản và chia sẻ nguồn lực với các Thư viện trong khu vực và cả nước.
Trong thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 3 dự án ưu tiên trong công tác chuyển đổi số; quan tâm đẩy mạnh số hóa điểm đến, sản phẩm dịch vụ và tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch của tỉnh; tăng cường xúc tiến, quảng bá các điểm di sản, danh thắng trên các nền tảng số; đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách du lịch; tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử tại khu di tích, danh thắng. Việc đẩy mạnh công tác số hóa trong hoạt động quản lý di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể, tư liệu hóa các di sản có tác dụng lớn đối với công tác bảo tồn, đặc biệt với các di sản có nguy cơ mai một và biến mất. Cùng với đó là số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo tàng, thư viện và hiện vật, tự động hóa môi trường bảo quản, tổ chức trưng bày truyền thống kết hợp với hiện đại, thuyết minh tự động, phát triển bảo tàng số, thư viện số… là nhiệm vụ cần có kế hoạch và lộ trình thực hiện trong thời gian ngắn. Thông qua các dự án có thể đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu vào chung một hệ thống của Tỉnh, có công cụ để kết nối, chia sẻ tài liệu, dữ liệu; đồng thời đảm bảo tính an ninh, an toàn, bảo mật. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị, phòng Văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cung cấp dữ liệu vào hệ thống chung của ngành VHTTDL để phục vụ hiệu quả hơn công tác quản lý và phát triển ngành.