Lượt xem: 4339
Nghĩ về bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian Khmer Nam Bộ qua dạy học truyền thuyết dân gian
Ở đồng bằng sông Cửu Long, rất nhiều tỉnh thành[1] đã biên soạn được tài liệu Ngữ văn địa phương, trong đó có văn học dân gian (VHGD) của người Khmer Nam Bộ. Bên cạnh các làn điệu ca dao, những điệu múa, âm nhạc biểu hiện cho diện mạo văn hóa dân tộc, thì vốn văn hóa của người Khmer Nam Bộ trong các tác phẩm văn học dân gian vẫn chưa thật sự được nhìn nhận đúng vai trò. Thực tế ấy đòi hỏi chúng ta cần có cái nhìn mang tính bản chất hơn về vốn văn hóa Khmer qua VHDG. [1] Có 9 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang

         Đặc tính cơ bản của Văn học dân gian là nghệ thuật ngôn từ (văn học) được đặt trong bối cảnh đời sống cụ thể (dân gian). Mỗi hiện tượng văn học dân gian vừa là một sự kiện sinh hoạt vừa là một hiện tượng thẩm mĩ. Do đó, một tác phẩm văn học dân gian ra đời luôn luốn gắn liền với cuộc sống, có vai trò phát triển thị hiếu thẩm mĩ con người và biến đổi theo cuộc đời của từng cá nhân. Tác phẩm văn học dân gian hàm chứa trong nó nhiều yếu tố văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc mà cá nhân đó sinh tồn. Tộc người Khmer Nam Bộ với nhiều nét văn hóa đặc trưng đã cộng cư với người Việt trong một khoảng lịch sử đầy thăng trầm và trên một vùng đất rộng lớn có sự phân hóa về địa thế. Trong quá trình phát triển theo hướng hiện đại hóa của xã hội, nhiều đặc điểm văn hóa của tộc người Khmer đang biến đổi, mai một và thậm chí bị triệt tiêu khỏi cộng đồng theo nhiều cách khác nhau. Để bảo tồn những giá trị văn hóa của người Khmer khỏi tình trạng mất gốc, biến dị và lai tạp thì việc nghiên cứu và đưa vào chương trình dạy học trong nhà trường là điều cần thiết.

         Chương trình Ngữ văn địa phương là một trong những định hướng quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn học nói riêng và nguồn văn hóa đặc trưng của từng địa phương, trong đó có văn hóa dân tộc thiểu số. Ở đồng bằng sông Cửu Long, rất nhiều tỉnh thành[1] đã biên soạn được tài liệu Ngữ văn địa phương, trong đó có văn học dân gian (VHGD) của người Khmer Nam Bộ. Bên cạnh các làn điệu ca dao, những điệu múa, âm nhạc biểu hiện cho diện mạo văn hóa dân tộc, thì vốn văn hóa của người Khmer Nam Bộ trong các tác phẩm văn học dân gian vẫn chưa thật sự được nhìn nhận đúng vai trò. Thực tế ấy đòi hỏi chúng ta cần có cái nhìn mang tính bản chất hơn về vốn văn hóa Khmer qua VHDG.

Đố thai là một dạng hoạt động gìn giữ câu đố và ca dao dân gian - Ảnh: Nhật Huy

         Tuy nhiên trên thực tế gần 10 năm triển khai hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc biên soạn tài liệu Ngữ văn địa phương cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Dù có nhiều hội thảo, các bài báo khoa học trên tạp chí và các luận án, luận văn sau đại học nhưng người ta vẫn thấy vắng bóng mảng kiến thức về văn hóa trong nhiều quyển tài liệu ngữ văn địa phương. Bên cạnh tác phẩm văn học dân gian, nhiều ý kiến cũng đề cập đến vấn đề dạy ngôn ngữ, đặc biệt là "nội dung rèn luyện chính tả, làm văn, từ địa phương ... chủ yếu vẫn tập trung nâng cao kĩ năng sử dụng tiếng Việt của người Kinh, chưa quan tâm đúng mức đến ngôn ngữ và chữ viết của các cộng đồng khác như Khmer, Hoa, Chăm.

         Trong các lí do gây nên tình trạng này có thể thấy cách vận dụng của các địa phương khi biên soạn tài liệu chưa thật linh hoạt và chưa đánh giá đúng giá trị của văn học dân gian của người Khmer Nam Bộ. Dĩ nhiên là chỉ ở những địa phương nào có đông người Khmer sinh sống thì ở đó mới có thể có tác phẩm VHDG Khmer. Qua các bài báo các tác giả cũng đề xuất một số biện pháp như: Định hướng phát triển năng lực, tăng cường ngoại khóa, trải nghiệm thực tế "với tư cách dân bản địa" chứ không phải du khách; cần tìm ra đặc trưng của địa phương, làm nổi bật tính cách văn hóa (trong đó có sự hòa trộn cả tín ngưỡng, âm nhạc, lễ hội) của cộng đồng người Kinh và các dân tộc thiểu số và phối hợp với hội Văn học-Nghệ thuật các tỉnh trong qua trình biên soạn tài liệu.

         Từ những thực trạng đó, để xây dựng chương trình dạy Ngữ văn địa phương, phần đặc biệt là thể loại truyền thuyết, chúng tôi đề xuất một số luận điểm sau:

         1) Đảm bảo tính hệ thốngtính chỉnh thể khi biên soạn tài liệu dạy học địa phương. Trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về số tiết của từng lớp học (hệ thống), chúng ta phải linh động khi phân bố nội dung sao cho phù hợp với địa phương (chỉnh thể). Nên xem các tiết trong chương trình chỉ là thời gian để báo cáo các kết quả của học sinh chứ không phải là thời gian giảng dạy. Việc thiết kế dạy học theo dự án nhằm phát triển năng lực của học sinh là nhiệm vụ của GV dạy lớp, tài liệu chỉ cần cung cấp ngữ liệu. Khi thiết kế, tài liệu nên lấy đặc trưng văn hóa làm trung tâm; giới thiệu văn học trên nền văn hóa. Đối với VHDG, cần coi trọng chức năng phục vụ lễ hội và hình thức diễn xướng (kể, hát, múa, hò …), tìm hiểu tâm lí người nghe trong các câu hát lời kể ấy cũng quan trọng như đọc văn bản. GV nên giao cho học sinh đọc tài liệu và thực hiện các bài học theo dự án, sau đó dành thời gian trình bày trên lớp những kết quả. Khi định hướng như vậy, mỗi một câu chuyện dân gian sẽ có sức sống của nó trong thời nay.

         2) Khi nói đến truyện dân gian, phần lớn chúng ta đều nghĩ đến các thể loại thuộc loại hình trần thuật (narrative): Thần thoại, Truyền thuyết, Cổ tích, Ngụ ngôn, Truyện cười. Tuy nhiên, vì lí do phân phối chương trình Ngữ văn và do đặc trưng của vùng miền, thì tỉ lệ phân bố các thể loại nêu trên ở đồng bằng sông Cửu Long không đều nhau. Do đó, khi biên soạn chương trình cần lưu ý đến những thể loại có tính phổ quát, đại diện cho cả vùng để đưa vào chương trình, xem như một đặc điểm có tính nổi trội. Qua khảo sát tài liệu cho thấy thể loại truyền thuyết có phần “lấn át” các thể loại khác trong chương trình địa phương. Điều này có thể được lí giải từ ba nguyên nhân. Thứ nhất, do ảnh hưởng từ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình chính khóa có gì thì địa phương có nấy. Chẳng hạn, trong chương trình Ngữ văn lớp 6 có truyền thuyết thì trong Ngữ văn các địa phương, các nhà biên soạn cũng phải tìm các truyền thuyết đưa vào. Thứ hai, xét về mặt đặc trưng thể loại VHDG Khmer, truyền thuyết lịch sử và địa danh là nhóm tác phẩm chiếm số lượng cao trong các tuyển tập VHDG địa phương. Thứ ba, trong các thể loại văn học dân gian, truyền thuyết có mối quan hệ mật thiết với lịch sử-văn hóa-địa danh về phương diện đặc trưng cấu trúc thể loại. Bất cứ một ngôi chùa, ngôi đình, lễ hội hay phong tục tập quán nào cũng có những truyền thuyết về các vị sáng lập, về các nhân thần và bất cứ địa danh nào cũng có ít nhất một sự lí giải cho nó, nhất là những vùng đất mới.

         3) Khi dạy truyền thuyết, điều quan trọng nhất là đặt tác phẩm trong môi trường diễn xướng. Mỗi truyền thuyết đều gắn liền với yếu tố lịch sử-văn hóa hoặc địa danh. Giá trị của truyền thuyết Khmer nam Bộ có mối liên hệ với các lễ hội văn hóa và địa danh. Đối với nhóm địa danh, GV có thể yêu cầu học sinh về nơi mình cư trú sưu tầm tất cả các cách lí giải chung quanh địa danh làng xóm hay huyện, xã mình sinh ra và lớn lên. Trong khi ghi nhận từ thực tế, học sinh cần lưu ý quan sát và ghi lại thái độ của người cung cấp, các em có thể sẽ hiểu được nhiều vấn đề hơn những lời lí giải. Đối với truyền thuyết văn hóa, các lễ hội của người Khmer Nam Bộ rất nhiều, hầu như mỗi lễ hội đều có ít nhất một truyền thuyết đi cùng. Khi dạy truyền thuyết dạng này, GV nên đặt các câu hỏi có liên quan đến lễ hội để các em học sinh từ những câu hỏi ấy tự bản thân mình đi tìm bằng cách học hỏi kiến thức (câu chuyện từ sách vở, hoặc từ người thân), kĩ năng (khả năng giao tiếp, đặt câu hỏi, lắng nghe, ghi chép, trình bày) và thái độ (niềm đam mê, tình cảm đối với vốn văn hóa dân tộc mình, sự nhiệt tình khi thể hiện).

Trải nghiệm là một hình thức học tập có giá trị gắn kết với truyền thống - Ảnh: Nhật huy

         4) Có những lễ hội tiêu biểu cho địa phương (như trường hợp lễ hội Ooc-om-booc đua ghe Ngo của hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng) cần được tổ chức cho các em học sinh điền dã, ghi nhận lại tất cả những không khí diễn ra của lễ hội, liên hệ với truyền thuyết có liên quan nhằm có những giải thích hợp lí và có cơ sở. Ngoài ra, mục tiêu quan trọng nhất là gieo vào lòng các em ấn tượng về nét tín ngưỡng tâm linh của dân tộc. Ở phương diện này, việc cơ cấu các truyện dân gian của người Việt vào chương trình địa phương cần phải được tính toán kĩ lưỡng. Nếu ở địa phương nào nét văn hóa Khmer nổi bật thì nên ưu tiên cho các truyện dân gian ở vùng đó. Đối với các tỉnh giáp biên giới (Kiên Giang, An Giang) có thể tính đến các truyện giải thích đia danh chiếm thế ưu trội. Rõ ràng là VHDG nói chung và truyện dân gian là một thành tố quan trọng trong lễ nghi, phong tục văn hóa … Đó là những thành tố của tổng thể văn hoá.

         5) Văn hóa Khmer là nền văn hóa tôn giáo, mỗi người Khmer sinh ra và lớn lên đều chịu ảnh hưởng của ngôi chùa. Tâm thức của họ thấm đẫm sắc vàng tâm linh của chiếc áo cà sa, con người họ khi còn sống thì thường xuyên đến chùa và khi từ trần cũng gửi tro cốt trong chùa. Do vậy, ngôi chùa Khmer không chỉ là nơi chuyển tải nội dung văn hoá tôn giáo của Phật giáo tiểu thừa mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều vấn đề văn hoá đặc sắc của cộng đồng người Khmer. Những câu chuyện kể được lưu giữ trong trí nhớ các vị sư trong chùa cũng như trong các loại hình khác có giá văn hóa rất quan trọng. Việc tổ chức cho các em học sinh người Khmer học ngoại khóa tìm hiểu các câu chuyện từ trong các ngôi chùa vô cùng cần thiết. Hãy dẹp bỏ suy nghĩ những câu chuyện đó đã có trong sách vở và tin vào sách vở (nhất là đã viết bằng tiếng Việt), mà đi vào đời sống thực tế và từ trí nhớ của các vị sư. Bởi lẽ chỉ khi nào các câu chuyện dân gian ấy được kể ra cho một người hay một nhóm người thưởng thức thì câu chuyện ấy mới có sức sống, mang trong nó sự phát triển và biến đổi.

         Bên cạnh các thể loại âm nhạc, múa, nghi lễ, tín ngưỡng và văn hóa vật chất thì các thể loại truyện dân gian chiếm vai trò quan trọng trong đời sống dân gian người Khmer Nam Bộ. Việc nghiên cứu các truyện kể dân gian, trong đó tiêu biểu là truyền thuyết có thể giúp phát hiện, nhìn nhận và khai thác các giá trị văn hóa tinh thần của một cộng đồng nhưng việc đưa truyện dân gian vào dạy trong trường học với mục tiêu phát triển năng lực sẽ góp phần giúp cho việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa ấy hiệu quả và bền vững hơn./.



[1] Có 9 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang

Nhật Huy

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 1015
  • Trong tuần: 3 822
  • Tất cả: 790171
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.