Lượt xem: 1477
Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng hoàn thành Kế hoạch kiểm kê trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2020
07/04/2021
Thực hiện Kế hoạch số 290/KH-SVHTTDL ngày 03/3/2020 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm triển khai tốt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, năm 2020. Trong tháng 10/2020, Bảo tàng tỉnh đã triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch kiểm kê trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trong hai tuần, từ ngày 09-22/10/2020, được sự hỗ trợ của 22 sinh viên năm thứ ba lớp Đại học Quản lý di sản, Khoa Di sản Văn hóa thuộc Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh và 06 viên chức nghiệp vụ thuộc Bảo tàng tỉnh đã tiến hành kiểm kê thực tế trên địa bàn trọng điểm 11 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh Sóc Trăng. Kết quả: tổng số phiếu kiểm kê từng ấp, khóm đã lập 112 phiếu; tổng số phiếu khảo sát, phỏng vấn chủ thể trang phục đã lập 336 phiếu; tổng số phiếu kiểm kê trang phục đã lập 465 phiếu; tổng số phiếu kiểm kê từng loại trang phục đã lập 464 phiếu.

Trang phục cô dâu và trang phục đi chùa truyền thống của thiếu nữ dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng
Trong quá trình thực hiện kiểm kê và lập hồ sơ trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, đoàn kiểm kê đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cán bộ khóm, ấp, công chức văn hóa, xã hội xã, phường, thị trấn, công chức phụ trách Di sản Văn hóa thuộc Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đã quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để đoàn kiểm kê làm việc, có nơi ăn, ở và di chuyển,... Đặc biệt là sự nhiệt tình, mến khách của các hộ gia đình các dân tộc thiểu số nơi đoàn kiểm kê tiếp xúc, phỏng vấn và kiểm kê thực tế. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều ngày cũng gây không ít khó khăn trong việc đi lại, gặp gỡ và tiếp xúc với người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong đoàn kiểm kê và tiến độ triển khai kế hoạch.

Bà Lâm Thị Lương, dân tộc Khmer, ấp Béc Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú
với trang phục sinh hoạt đời thường và chiếc áo Sậy trên 60 năm tuổi
Nhìn chung, Kế hoạch kiểm kê và lập danh mục khoa học trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt được mục đích và yêu cầu đặt ra, toàn bộ trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số ở từng địa phương đã được kiểm kê và lập danh mục đúng đối tượng, nội dung, phương pháp và quy trình thực hiện kiểm kê. Từ đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng và chủ thể trang phục về giá trị, tầm quan trọng của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn. Qua đó làm cơ sở giúp cho các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa và chủ thể di sản văn hóa cùng chung tay góp sức thực hiện hoàn thành Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng./.
Nguyễn Văn Dũng