Lượt xem: 963
Đẩy mạnh công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và còn là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, nó có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể nhằm lưu giữ, phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn lâu dài.
    Kiểm kê di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bao gồm nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do đặc thù của loại hình di sản văn hóa này là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng và nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự giao lưu hội nhập, đã tác động một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp dân cư. Do đó, di sản văn hóa phi vật thể ở Sóc Trăng cũng rất dễ bị mai một và luôn tìm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng.


Các loại mặt nạ, mão trong NTSK Dù kê của gia đình chị Lâm Thị Hương - xã Tài Văn, huyện Trần Đề.

    Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) quy định việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản VHPVT để đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL Sóc Trăng xây dựng kế hoạch và chỉ đạo đơn vị Bảo tàng tỉnh thực hiện việc kiểm kê và lập hổ sơ khoa học di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2012.

    Vào cuối tháng 7/2012, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức lớp tập huấn kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cho gần 60 học viên là cán bộ văn hóa cơ sở và Bảo tàng tỉnh. Sau lớp tập huấn, các học viên đã thực hiện công tác kiểm kê tại 02 huyện Trần Đề, Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu. Ông Lê Bá Trung - Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chúng tôi được cán bộ cơ sở hướng dẫn đến tận người dân (chủ thể văn hóa), đa số được nhân dân ủng hộ nhiệt tình trong việc trả lời phỏng vấn, ghi chép, trình bày rất là cụ thể về VHPVT trên địa bàn. Tuy nhiên, khi chúng tôi thực hiện công tác này thì gặp mưa gió, nên cũng rất khó khăn trong việc chuyển đổi từ địa phương này sang địa phương khác”.

    Đợt kiểm kê di sản VHPVT lần này nhằm nhận diện tổng quát và xác định giá trị tên gọi, loại hình, chủ thể, địa điểm, đặc điểm, sức sống, không gian văn hóa và các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các loại hình VHPVT 03 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh Sóc Trăng, với mục đích lưu giữ, phục vụ cho việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài.

    Thông qua hoạt động kiểm kê bằng các hình thức phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, ghi hình ..., nhằm tư liệu hoá các giá trị của di sản văn hoá, sau đó tiến hành lập hồ sơ khoa học các loại hình di sản văn hoá tiêu biểu hoặc có nguy cơ mai một, thất truyền. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá này đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh nhà, làm cho di sản VHPVT ở Sóc Trăng tiếp tục được bảo tồn và phát huy là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiển hiện nay.

    Sau hơn một tháng khảo sát và thực hiện công tác kiểm kê các loại hình di sản VHPVT tại 29 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Trần Đề, Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu. Bảo tàng tỉnh đã tổ chức buổi báo cáo tổng kết đợt công tác này. Loại hình di sản văn hóa được kiểm kê là 07 loại, bao gồm: tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian; trong đó kiểm kê các loại văn tự, chữ viết, ca dao, tục ngữ, loại hình nghệ thuật sân khấu (NTSK) Rô băm, Dù kê, tục thờ cúng gia tiên, Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, lễ cưới, mừng thọ, lễ tang... Tổng số phiếu khảo sát: 210 phiếu, tổng số phiếu kiểm kê đã lập: 931 phiếu, nhân vật được phỏng vấn là 843 người. Những loại hình VHPVT có nguy cơ bị mai một: NTSK Rô băm, múa hát A day, múa trống Chchaydăm, hát trong lễ cưới Khmer... ; loại hình VHPVT có khả năng phục hồi, phát triển như NTSK Dù kê, múa lân sư rồng, nhạc ngũ âm; nghề dệt chiếu, điêu khắc, vẽ trang trí hoa văn...


Tổng kết công tác kiểm kê di sản VHPVT trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

    Ông Lâm Liếp - xã Phú Tân, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Cái nghề đan đát này là của ông bà, cha mẹ tôi để lại. Đến giờ tôi truyền lại cho 04 đứa con của tôi. Tôi rất mừng vì được Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng đến phỏng vấn và kiểm kê nghề truyền thống này”. Còn theo bà Lâm Thị Hương - Nghệ nhân nghệ thuật sân khấu (NTSK) Rô băm, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tâm sự: “Tôi rất hoan nghênh khi Bảo tàng tỉnh đến kiểm kê loại hình NTSK Rô băm của đồng bào Khmer, để lập hồ sơ khoa học đưa vào di sản VHPVT. NTSK Rô băm này là từ cha mẹ tôi dạy lại cho tôi, nó gắn bó với tôi gần 40 năm. Tôi mong muốn được truyền đạt lại cho thế hệ trẻ sau này”.

    Đây là đợt khảo sát, kiểm kê và đánh giá thực trạng VHPVT trong tỉnh Sóc Trăng. Trên cơ sở đó, phân loại những di sản văn hóa hiện còn được bảo lưu hoặc không còn nữa hay đang biến đổi và có nguy cơ bị mai một. Đồng thời, tìm ra những nguyên nhân xã hội đã tác động lên quá trình thay đổi của một số di sản VHPVT tiêu biểu; mặc khác tìm ra những giải pháp cụ thể để trong tương lai các di sản văn hóa trong tỉnh phát huy hiệu quả và phát triển bền vững.
    
    Ông Lưu Thanh Hùng - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “ Đợt kiểm kê di sản VHPVT lần này nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và công tác bảo tồn. Sau khi kiểm kê phân loại, chúng tôi sẽ lựa chọn loại hình VHPVT tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản VHPVT cấp quốc gia, đặc biệt là những loại hình có nguy cơ bị mai một, thất truyền để có hướng bảo tồn. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành hồ sơ khoa học loại hình NTSK Dù kê của đồng bào Khemer, đề nghị Bộ VHTTDL công nhận di sản VHPVT cấp quốc gia và đang tiến hành lập hồ sơ khoa học loại hình NTSK Rô băm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”.

    Số liệu di sản VHPVT đã được khảo sát, kiểm kê giúp cho các nhà quản lý văn hóa và du lịch nắm bắt được thực trạng và tác động có hiệu quả đến từng hình thái VHPVT và đây cũng là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, có cơ sở so sánh, đối chiếu văn hóa cộng đồng dân cư Kinh - Khmer - Hoa Sóc Trăng với văn hóa cộng đồng dân cư này ở các địa phương khác.
Lữ Giàu

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 33
  • Hôm nay: 373
  • Trong tuần: 5 847
  • Tất cả: 792196
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.