Lượt xem: 2623
Ba Thắc cổ miếu (chùa ông Ba) được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
14/08/2021
Phía bên trong chùa thì có bàn thờ Ông, gọi là Ông Ba Thắc. Ông không có hình hay tượng thờ, mà chỉ có một tảng đá gọi là cốt để thờ Ông. Thật ra đây là ngôi miếu thể hiện sự giao thoa nhiều lớp văn hoá, trong đó có tín ngưỡng thờ Neak tà của người Khmer, thờ thổ thần của người Việt.
Ngày 11/8/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 2065/QĐ-UBND xếp Ba Thắc Cổ Miếu (còn gọi là chùa ông Ba) tại ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên , huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Tính đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 41 di tích cấp tỉnh được công nhận .
Hiện nay, chùa ông Ba tọa lạc trên địa bàn cách trung tâm huyện lỵ Mỹ Xuyên chưa đầy 2 km và cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 5km. Theo con đường liên huyện từ trung tâm chợ Bãi Xàu về Tham Đôn, rẽ phải đi khoảng 400m theo con đường mòn trên đất giồng cát, nay đã được bê tông hóa, du khách sẽ đến ngôi chùa này.
Ngôi chùa khá nhỏ so với khoảng đất rộng chung quanh, có mái lợp ngói âm dương; ngang khoảng 6m và dài cũng chỉ khoảng 10m. Từ ngoài nhìn vào trên khung cửa còn thấy được hàng chữ, số để rõ tên Ba Thắc cổ miếu và năm tu sửa chùa (1927). Hai bên ngôi chùa có hai căn nhà nhỏ để tiếp khách và kho chứa đồ, dụng cụ bàn ghế của chùa. Giữa năm 2009, Ông từ chăm sóc ngôi chùa tên là Lâm Văn Tuấn, lúc đó gần 60 tuổi, cho biết chùa có cách nay khoảng 200 năm, còn ngôi chùa hiện nay là trùng tu lại theo kiến trúc cũ. Trước ngôi chùa có cây cổ thụ rất to gọi là cây Tra Lâm Vồ khoảng trên 200 năm tuổi . Phía bên trong chùa thì có bàn thờ Ông, gọi là Ông Ba Thắc. Ông không có hình hay tượng thờ, mà chỉ có một tảng đá gọi là cốt để thờ Ông. Thật ra đây là ngôi miếu thể hiện sự giao thoa nhiều lớp văn hoá, trong đó có tín ngưỡng thờ Neak tà của người Khmer, thờ thổ thần của người Việt.
Miếu có Ban Quản trị để quản lý chung và cử người như là ông từ để chăm sóc, nhang khói hàng ngày. Mỗi năm, Ban quản trị chùa tổ chức lễ cúng Ông vào ngày 21/2 âm lịch, có mời gánh hát đến diễn phục vụ bà con liên tục 3 đêm. Nơi này vẫn thường xuyên có người đến thắp nhang cúng bái, nhất là trong những ngày giỗ Ông, dịp rằm tháng 7 hay Tết Nguyên đán hàng năm. Ngôi miếu cổ Ba Thắc này trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa tín ngưỡng của địa phương.
Hoàng Hận