Lượt xem: 36
Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Luật Du lịch 2017
19/12/2024
Sáng 19/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị trực tuyến nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017.
Phó Giám đốc Sở Lâm Thanh Dũng tham dự Hội nghị tại Hà Nội
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chủ trì, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu từ các cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội, trường đào tạo du lịch, chuyên gia, doanh nghiệp và báo chí. Tỉnh Sóc Trăng có ông Lâm Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham dự. Ngoài ra, đại diện các phòng, ban, đơn vị liên quan đến lĩnh vực du lịch tại tỉnh Sóc Trăng cũng tham cũng dự trực tuyến.
Thứ trưởng Hồ An Phong đã phát biểu khai mạc, nêu bật những nội dung trọng tâm trong việc đánh giá quá trình triển khai Nghị quyết và Luật Du lịch. Sau gần 8 năm thực hiện, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, như tăng trưởng ổn định về lượng khách quốc tế, nâng cao nhận thức xã hội và khẳng định vị thế của ngành trong phát triển kinh tế-xã hội. Du lịch đã trở thành điểm sáng, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế đất nước.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 08 và Luật Du lịch 2017. Các đại biểu cũng thảo luận về những đóng góp tích cực của ngành du lịch, như tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn văn hóa và cải thiện đời sống xã hội. Ngành du lịch được đánh giá đã có tác động lan tỏa lớn, đóng góp vào xuất khẩu, xóa đói giảm nghèo, và thúc đẩy phát triển bền vững.
Mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2025 - 2030
Phát biểu tổng kết, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh mục tiêu phát triển ngành du lịch đến năm 2025 và 2030. Cụ thể:
Đến năm 2025:
Phục hồi hoàn toàn sau đại dịch.
Đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa.
Tăng trưởng khách nội địa từ 8-9%/năm.
Đóng góp 6-8% GDP, tạo 5,5 triệu việc làm (1,8 triệu trực tiếp).
Đến năm 2030:
Trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh và bền vững.
Đón 35 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa.
Tăng trưởng khách quốc tế 13-15%/năm, khách nội địa 4-5%/năm.
Đóng góp 10-13% GDP, tạo 10,1 triệu việc làm (3,3 triệu trực tiếp).
Ngành Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá, khắc phục tồn tại và đổi mới để trở thành trụ cột kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tin và ảnh: Nguyễn Dũng