Lượt xem: 33
Sóc Trăng tham dự Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
27/12/2024
Chiều ngày 23/12 tại Hội trường Trường Chính trị tỉnh Bình Phước, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 phối hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (2021 – 2025) và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II (2026 – 2030) của 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Đến dự có đồng chí Hầu A Lềnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, chủ trì Hội nghị; đồng chí Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đồng chí Trần Tuyết Minh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và trên 170 đại biểu của 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tỉnh Sóc Trăng có thừa uỷ nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn cán bộ đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành và địa phương được giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng có ông Sơn Pô, Phó Giám đốc Sở tham dự.
Sau chương trình khai mạc trọng thể, Hội nghị được nghe 06 báo cáo tham luận và trên 10 ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự liên quan đến kết quả và đề xuất kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch giai đoạn tiếp theo.
Thay mặt chủ toạ Hội nghị, đồng chí Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Đây là một trong những Chương trình mục tiêu trọng điểm đầu tiên của quốc gia mà Đảng và Nhà nước giành riêng cho địa bàn vùng DTTS&MN, được thiết kế với nhiều chính sách đa ngành, đa lĩnh vực, địa bàn bao phủ rộng, trải dài trên toàn quốc với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung chính sách thành phần. Sau gần 4 năm thực hiện, đa số các tỉnh, thành đã xây dựng được khung chính sách đảm bảo phù hợp với đặc điểm của địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân của Chương trình. Cụ thể, có 5/7 nhóm mục tiêu cơ bản đã đạt. Bên cạnh đó, các tỉnh khu vực phía Nam đã đạt được 1/2 mục tiêu quan trọng của Chương trình là nâng cao thu nhập và cải thiện đáng kể đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Trong số 10 dự án của Chương trình, có 4 dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao trên 75% thuộc 03 tỉnh, thành phố. Trong đó, có tỉnh Sóc Trăng.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tham luận tại Hội nghị đồng chí Trần Khắc Trung, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng chia sẽ: Đến nay, tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình theo phân cấp; Công tác truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình được quan tâm chú trọng. Qua đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; huy động và phát huy được vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia cùng với chính quyền địa phương triển khai đồng bộ hiệu quả các mục tiêu kế hoạch đề ra, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống đồng bào vùng DTTS. Hiện nay có 12/24 mục tiêu cụ thể đạt và vượt so với dự kiến kế hoạch đầu giai đoạn I.
Đồng chí Trần Khắc Trung, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng phát biểu tham luận tại Hội nghị
Tổng nguồn vốn dự kiến phân bổ thực hiện Chương trình giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 là: 1.357.230 triệu đồng. (Ngân sách trung ương là 1.205.739 triệu đồng; ngân sách địa phương là 139.456 triệu đồng và vốn huy động khác là 12.035 triệu đồng). Tổng nguồn vốn đã phân bổ, điều chỉnh giai đoạn 2022 - 2024 là 1.026.683 triệu đồng (Ngân sách trung ương là 918.785 triệu đồng; ngân sách địa phương là 99.172 triệu đồng và vốn huy động khác là 8.726 triệu đồng).
Đồng chí Trần Khắc Trung cũng cho biết thêm, đối với các chỉ tiêu của Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tổ chức 06 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện bảo tồn 05 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ 05 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; tổ chức 08 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; tổ chức 03 chương trình nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; xây dựng 04 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ trang thiết bị cho 61 đội văn nghệ truyền thống; xây dựng 01 clip phóng sự giới thiệu về 06 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào DTTS; tổ chức 02 hội nghị tập huấn, 01 giải thi đấu thể thao truyền thống cấp tỉnh; 06 giải thi đấu thể thao truyền thống cấp huyện, thị xã; hỗ trợ 03 cuộc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân thiểu số, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 97 tủ và sách cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ 124 bộ trang thiết bị văn hóa, thể thao cho các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng 03 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS; hỗ trợ đầu tư xây dựng 01 điểm du lịch; hỗ trợ tu bổ tôn tạo 01 di tích cấp quốc gia; hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo 45 nhà văn hóa tại các ấp đặc biệt khó khăn. Tổng kinh phí thực hiện Dự án 6 từ năm 2022 – 2024 là gần 76 tỷ 690 triệu đồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh, điều cốt lõi, đáng mừng nhất sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN ở giai đoạn I là đời sống của bà con được nâng lên, truyền thống văn hóa truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy…
Đồng chí Hầu A Lềnh đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương ngoài những chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao cần phải chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp triển khai Chương trình nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong năm 2025 cũng như giai đoạn tiếp theo (2026-2030). Đồng thời, cần linh hoạt trong triển khai các dự án, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địua phương; đặc biệt là tại các khu vực có đặc thù về địa lý, kinh tế và văn hóa khác nhau. Trong đó, cần tăng cường vai trò của đồng bào DTTS trong việc tham gia giám sát các hoạt động của Chương trình.
Tin và ảnh: Nguyễn Văn Dũng