Lượt xem: 226
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
25/04/2023
Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có nhiều lễ hội của ba dân tộc Kinh – Hoa - Khmer, thu hút đông người dân và du khách đếm tham gia như Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta, Nghinh Ông, Cúng Phước Biển, Thăk Côn,…Trong đó, nổi bật nhất là lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo vào dịp rằm tháng 10 âm lịch hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệm. Đây là trong 8 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và được Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận kỷ lục "Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe ngo và vận động viên đông nhất Việt Nam" từ năm 2005 đến nay.
Trong thời gian qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể, các lễ hội được tổ chức đúng theo quy định của nhà nước và quan điểm chỉ đạo của Đảng về mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục đích. Một số lễ hội được đầu tư nâng tầm hơn so với những năm trước đây nhưng vẫn đảm bảo nét văn hóa dân tộc và phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương… Công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường luôn được chú trọng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như công tác sắp xếp hàng quán, cơ sở dịch vụ đảm bảo mỹ quan, các chủ cơ sở kinh doanh được hướng dẫn, quán triệt các quy định của pháp luật không có tình trạng chèo kéo khách du lịch.
Lễ hội đua ghe Ngo - ảnh: Nguyễn Dũng
Tuy nhiên, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định như: trong hoạt động lễ hội phần lễ là chính yếu, phần hội còn quá ít. Nội dung trong hoạt động lễ hội chưa phong phú, tính hấp dẫn chưa cao; tình trạng bán hàng rong, cờ bạc trá hình (các trò chơi có thưởng), ùn tắt giao thông,… vẫn còn tồn tại; các hoạt động văn hóa nghệ thuật dù có tổ chức nhưng vẫn chưa thu hút đông đảo người tham gia cũng như chưa gây được niềm phấn khởi cho người xem. Về hình thức, chưa làm nổi bật các sắc thái riêng của từng loại lễ hội, chưa khai thác hết giá trị của lễ hội. Cơ sở vật chất ở một số nơi còn khó khăn, chưa kịp thời đáp ứng được nhu cầu tham quan, vui chơi cho du khách, một số du khách khi đến lễ hội không tuân theo những quy định và hướng dẫn của Ban Tổ chức lễ hội nên gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội tại địa phương, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp triển khai các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định tại nơi tổ chức; quan tâm, chú trọng đến các nghi thức, các trò diễn nói về sự tích lễ hội; tăng cường vận động người có uy tín, nghệ nhân dân gian am hiểu về nguồn gốc của các lễ hội để từ đó tổ chức phục dựng lại một số lễ hội có nguy cơ bị thất truyền; tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… khôi phục các trò chơi dân gian, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí phù hợp từng loại hình lễ hội; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và các đoàn thể; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế ưu đãi khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm khai thác và tổ chức lễ hội.
Nguyễn Dũng (TTTTXTDL)