Phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, cần sự đồng lòng từ phía nhà vườn
Sâu đầu đen gây hại trên cây dừa bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Sóc Trăng vào tháng 3 năm 2021. Với đặc tính lây lan khá nhanh, từ một vài ha ban đầu tại huyện Long Phú, đến nay, sâu đầu đen đã tấn công nhiều diện tích trồng dừa tại các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh. Ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng hiện đã xây dựng được những giải pháp mang tính tạm thời, ngăn chặn có hiệu quả sự phát triển và khả năng gây hại của sâu. Tuy vậy, việc khống chế tác hại của sinh vật này rất cần sự đồng lòng từ phía nhà vườn.
 Thông tin sâu đầu đen gây hại trên dừa tại khu vực ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú từng khiến ông Huỳnh Công Văn ở ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề vô cùng lo ngại. Mặc dù đã chủ động thăm vườn thường xuyên, nhưng hơn 40 gốc dừa của gia đình ông Văn vẫn bị sâu đầu đen tấn công và gây hại nghiêm trọng trên cả lá non và lá già. Không chỉ ảnh hưởng về năng suất cho trái, sâu cắn phá vào phần trái khiến chất lượng dừa giảm đáng kể, thương lái không còn mặn mà đến thu mua. Ông Văn chia sẻ: “Lúc đầu thấy ở Long Phú bị thiệt hại cũng không nghĩ là nó sẽ lây qua tới đây. Thời gian sau mới phát hiện vườn mình cũng có. Lúc đầu nó ăn lá vàng, sau này nó ăn lá non rồi ăn qua tới trái luôn. Từ đó giờ trồng dừa không bị sâu như thế này, mấy đợt đầu còn bàn được chứ mấy đợt sau đâu ai chịu mua, chỉ có chặt bỏ thôi”.
 
Từ các giải pháp đã được ngành chuyên môn khuyến cáo, ngay khi phát hiện sâu đầu đen xuất hiện trên vườn dừa, ông Nguyễn Thanh Minh ở ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú đã khẩn trương cắt tỉa những tàu dừa bị thiệt hại, kết hợp phun xịt thuốc để hạn chế sự lây lan. Mặc dù hiệu quả được cải thiện rõ, nhưng thời gian sau sâu đầu đen lại tiếp tục phát triển và gây hại mạnh hơn. Theo ngành chuyên môn, giải pháp này sẽ không phát huy được hiệu quả tối ưu trong việc ngăn chặn triệt để sự phát triển của sâu đầu đen nếu chỉ có một ít trong khu vực áp dụng, bởi khả năng lây lan của sâu vào các vườn dừa xung quanh là rất cao nếu không có sự nhất quán trong giải pháp phòng trừ. Ông Minh thông tin thêm: “Sâu đầu đen xuất hiện ở vườn dừa của tôi từ tháng 6 năm rồi. Tôi tỉa cành, xịt thuốc đủ hết. Tôi có 5 công dừa thôi, nhưng xung quanh ở đây thì rất nhiều. Vì vậy có mình tôi tỉa cành và xịt thuốc thì cũng không ngăn nổi, dừa vẫn sẽ bị lây từ vườn khác qua. Tôi đề nghị ấp, xã kiến nghị cho bà con đồng lòng thực hiện các giải pháp mới phòng trừ hiệu quả được”.
 
Sâu đầu đen gây hại cho sự phát triển của cây dừa
 
Sâu đầu đen được phát hiện đầu tiên tại ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú từ tháng 3/2021. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen là 50 ha (diện tích phát sinh thêm so với năm 2021 là 17,2 ha), trong đó diện tích nhiễm nhẹ 26,8 ha, nhiễm trung bình 12,4 ha và nhiễm nặng 10,8 ha tại các huyện Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và TP. Sóc Trăng. Sâu đầu đen xuất hiện và gây hại nặng chủ yếu trên các giống dừa cao, nên việc phát hiện các triệu chứng ban đầu rất khó khăn và không kịp thời. Diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được dự báo sẽ phát triển và gây hại mạnh hơn do ảnh hưởng của điều kiện nắng nóng kéo dài. 
 
Do sâu đầu đen là đối tượng dịch hại mới nên chưa có nhiều nghiên cứu và quy trình quản lý cụ thể của Việt Nam. Để có cơ sở khuyến cáo cho người dân trong công tác phòng trừ đối tượng dịch hại mới này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng quy trình tạm thời để quản lý. Quy trình này được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các nguồn tài liệu về biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hiệu quả trên thế giới, cụ thể, nguồn tài liệu về biện pháp phòng trừ của Thái Lan. Đồng thời, theo hướng dẫn về công tác phòng trừ tạm thời đối với sâu đầu đen của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và các biện pháp quản lý sâu đầu đen hiệu quả tại tỉnh Bến Tre. Ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Chúng tôi đề nghị bà con nông dân khi phát hiện sự xuất hiện của sâu đầu đen trên vườn dừa cần báo ngay cho ngành nông nghiệp địa phương để có giải pháp xử lí kịp thời, hạn chế tối đa tốc độ lây lan. Tiến hành cắt tỉa những tàu lá, lá chết, trái dừa bị sâu gây hại và cây ký chủ như chuối, cau, dừa nước…, tiêu hủy chúng bằng cách đem ngâm chúng trong nước hoặc đốt ngay lập tức trong ngày. Về biện pháp sinh học, bà con có thể sử dụng thiên địch để kiểm soát sâu đầu đen gây hại trong vườn dừa là một trong những biện pháp hiệu quả và thực hiện lâu dài vừa an toàn cho con người và môi trường. Tuy nhiên, khi áp lực sâu xuất hiện với mật số cao và diện rộng thì không đánh giá được hiệu quả của biện pháp này. Riêng biện pháp hóa học là biện pháp sau cùng và cần được cân nhắc trước khi sử dụng vì khả năng lưu tồn của hóa chất trong trái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường xung quanh. Chú ý khi phun thuốc phải đảm bảo theo đúng khuyến cáo về an toàn cho người và môi trường xung quanh”.
 
Diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện đã phát triển hơn 8.000 ha. Bên cạnh thị trường nội địa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hiện đang phối hợp cùng các công ty, doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu trái dừa Sóc Trăng sang nhiều thị trường ngoài nước. Để kịp thời đón bắt cơ hội này, nhà vườn cần có sự phối hợp tốt trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng trừ sâu đầu đen đã được khuyến cáo. Bởi so với cây trồng khác, cây dừa có thời gian cho trái lâu hơn, một khi sâu đầu đen gây hại đến mức phải phá bỏ vườn thì khả năng phục hồi sẽ rất lâu, việc chuyển đổi cây trồng cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong việc cải tạo lại nền đất, điều này sẽ gây tổn thất nghiêm trọng đến vấn đề sinh kế và thu nhập của bà con nông dân.
 
Ngọc Thơ
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 84677297

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.