Phát huy tốt việc ứng dụng mạng cảm biến trong kiểm soát độ mặn
      Hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết, khí hậu luôn tiềm ẩn yếu tố bất thường, khó lường... Chính vì vậy, việc kiểm soát độ mặn để có biện pháp ứng phó kịp thời, tổ chức sản xuất, nuôi trồng thích hợp được xem là giải pháp tối ưu nhất. Bên cạnh việc xây dựng kịch bản ứng phó, thời gian qua, Sóc Trăng đã phát huy rất tốt việc ứng dụng hệ thống mạng cảm biến để tăng cường công tác quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo hạn mặn trên địa bàn tỉnh.

       Từ giữa tháng 2, độ mặn đo được tại Kế Sách đã vượt ngưỡng 7‰; nhưng vườn bưởi da xanh với diện tích 1,5 ha của ông Huỳnh An Khương ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành, huyện Kế Sách vẫn an toàn trong vùng hạn, mặn. Nói vui như nhiều nhà nông ở đây, ông Đăng cũng là người đang tích trữ được lượng nước ngọt nhiều nhất so với nhiều nhà vườn lân cận trong tình hình khan hiếm nước như hiện nay. Kịp thời khai thông nước mặn hay đưa nước ngọt từ kênh mương vào bể chứa, có được sự chủ động này là nhờ những số liệu mà ông nhận được trên chiếc điện thoại thông minh. 

       Được biết, những số liệu dự báo chính xác này được cập nhật từ Trạm kiểm soát độ mặn được đặt tại thị trấn Kế Sách, đây là 1 trong 2 hệ thống đo đạc độ mặn được Trường Đại học Cần Thơ đầu tư cho huyện vào cuối năm 2019. Thông qua hệ thống mạng cảm biến, diễn biến mặn tại vàm Nhơn Mỹ và thị trấn Kế Sách sẽ hiển thị trên màn hình điện thoại người truy cập. Ứng dụng này giúp nhiều nông dân nắm bắt kịp thời diễn biến mặn tại địa phương thay vì phải trông chờ cán bộ thực hiện đo đạc bằng máy thủ công như trước kia và thông tin mặn đến nông dân cũng không phổ biến. Ông Huỳnh An Khương – nhà vườn tại ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành, huyện Kế Sách phấn khởi chia sẻ: “Trước kia, mình phải chờ cán bộ xuống đo mới biết độ mặn bao nhiêu, mà cũng chỉ biết được vào thời điểm đó thôi, có khi đến chiều độ mặn lại thay đổi mà mình đâu có biết. Có cái máy này là coi được mọi lúc luôn, giả sử nước ngọt mình lấy vô, thấy mặn lên cao quá thì mình đóng cống lại liền, hồi trước toàn lấy vô đại chứ đâu biết gì”.

       Bên cạnh cây trồng, mặc dù có nhiều lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, độ mặn ngày càng tăng cao trong môi trường cũng gây nhiều bất lợi cho quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi. Nhằm phục vụ tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường kịp thời đến người nuôi; ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai lắp đặt 02 phao quan trắc môi trường tự động tại bến phà Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên và cống Vàm Om thuộc thị xã Vĩnh Châu, đo và cập nhật liên tục 24/24 các chỉ số môi trường độ mặn, PH, nhiệt độ, tổng chất rắn,… để nắm tình hình diễn biến môi trường thông báo đến người dân một cách kịp thời, liên tục. Ông Mã Văn Hồng – hộ nuôi tại xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Trước đây khi chưa có cái máy này phải đợi thông tin trên đài hay Chi cục Thủy sản báo xuống rất mất thời gian. Từ khi có máy này, bất cứ ở nơi đâu, giờ nào mình cũng có thể lên coi để kịp thời xử lí ao, thao tác thực hiện cũng dễ dàng, bà con nuôi tôm ở đây thấy tiện lợi lắm”.

Phao quan trắc tự động được đặt tại bến phà Dù Tho - Xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên

       So với cách đo thông thường, việc sử dụng mạng cảm biến thông qua các thiết bị kiểm soát độ mặn còn góp phần giảm thiểu áp lực thời gian cho cán bộ làm công tác thủy lợi tại các địa phương vì vẫn có được số liệu chính xác mà không cần phải đến tận nơi. Từ đó, ngành chuyên môn cũng sẽ có cơ sở đưa ra các giải pháp đóng, mở cống phù hợp từng thời điểm để đảm bảo an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ứng dụng mạng cảm biến trong quan trắc môi trường nước như đã triển khai ở Sóc Trăng được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp có hiệu quả trong công tác quản lý môi trường nuôi thủy sản và đặc biệt là giúp ngành nông nghiệp cảnh báo sớm xâm nhập mặn vào mùa khô. Tiến sĩ Trương Minh Thái – Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Cần Thơ nhận định: “Tôi nghĩ rằng nếu mình áp dụng tốt các hệ thống quan trắc tự động này thì thứ nhất sẽ tiết kiệm được nhân lực, quan trọng nhất là mình có thể thu thập số liệu được suốt ngày và liên tục. Điều này giúp nhà khoa học có thể xây dựng chương trình hay các hệ thống mô phỏng giúp chúng ta có những cảnh báo chính xác về độ mặn; giúp người nông dân chủ động hơn trong quá trình tưới tiêu cho cây trồng hay khai thông nước khi nuôi trồng thủy sản. Đối với những thiết bị thông thường thì chỉ có thể theo dõi theo thủy triều còn sử dụng hệ thống và mạng cảm biến này thì các chỉ số về môi trường nước hay độ mặn đều được cập nhật mọi lúc”.

       Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã có kế hoạch nhân rộng việc lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả công tác kiểm soát độ mặn để có thể kịp thời xây dựng những giải pháp ứng phó phù hợp.

Ngọc Thơ

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85209361

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.