Phục dựng Lễ hội cúng Trăng - nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer
      Tối ngày 10/11, tại Công viên 30/4 (TP. Sóc Trăng) đã diễn ra buổi phục dựng Lễ cúng Trăng của đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ cúng Trăng được tổ chức vào đêm rằm 14 - theo lịch Khmer với các hoạt động rang cốm dẹp, giã cốm dẹp, múa quanh bếp lửa hồng… Đây là sự kiện nằm trong 9 chuỗi hoạt động tại Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2019 tại tỉnh Sóc Trăng. Đến dự có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

       Trong quan niệm của người Khmer, mặt trăng là vị thần điều tiết mưa nắng, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng của con người. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, trong Lễ Oóc om bóc - Đua ghe Ngo đưa nước về xứ của Niếck (rồng), họ cũng làm Lễ cúng Trăng để nhớ công ơn này. Ngoài ý nghĩa trên, người Khmer còn có ý nghĩa tâm linh thể hiện qua các vật cúng và trang trí như 2 cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho “vành đai vũ trụ”; cái bàn tượng trưng cho “Trái đất”; 2 cây mía tượng trưng cho “sự sinh sôi, nảy nở”; 3 cây nến cắm trên cổng tượng trưng cho ba mùa trong năm “nắng, mát, mưa”; 12 lá trầu  được treo hai bên cổng tượng trưng cho “12 tháng trong năm và 12 con giáp”; 7 trái cau có hình dáng con ong bầu tượng trưng cho “bảy ngày trong tuần”; 30 lá trầu đặt bên phải bàn cúng tượng trưng cho “tháng đủ”; 29 lá trầu đặt bên trái bàn cúng tượng trưng cho “tháng thiếu”… 


Phục dựng Lễ cúng Trăng

       Mâm cúng bắt đầu được trang hoàng và bày biện khi chiều xuống. Lễ vật của mâm cúng là những loại rau, củ, cây trái trong vườn. Đặc biệt là không thể thiếu dĩa cốm dẹp lớn và trái dừa vừa ăn được vạt sẵn nhưng vẫn phải giữ lại nắp. Khi trăng lên, các vị trưởng lão đức cao vọng trọng, vị Achar được mời đến tiến hành nghi Lễ cúng Trăng trước sự chứng kiến của các sư.

      Mọi người trải chiếu ngồi quây quần quanh mâm cúng. Sau lời khấn tạ ơn và đọc một đoạn kinh cầu phúc, những đứa trẻ sẽ lần lượt được gọi lên để "oóc-om-bóc" (đút cốm dẹp). Miệng ngậm đầy cốm dẹp lẫn các loại củ, trái cây… mỗi thứ một ít được vắt thành nắm, đứa trẻ vừa nuốt cốm dẹp, vừa nói lên ước muốn của mình gửi tới mặt trăng.

      Ông Sơn Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Lễ cúng Trăng trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV, khu vực ĐBSCL năm 2019 nhằm mục đích không chỉ bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách đến với tỉnh nhà. Ngoài ra lễ cúng còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm của mọi người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Dương Tuyết Ngọc 

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85287362

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.