Năm 2020, Sóc Trăng sẽ có sản phẩm OCOP về du lịch nông thôn
      Sau năm đầu tiên triển khai, Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã khẳng định được tính hiệu quả khi 39 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 21 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đã có cơ hội quảng bá thương hiệu và tiếp cận được đa dạng hơn các thị trường. Quan trọng là khẳng định được vị thế các mặt hàng nông sản được tạo ra từ địa phương vốn có nhiều tiềm năng về nông, lâm, thủy sản như tỉnh Sóc Trăng.

       Tiếp nối những thành công có được, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các đơn vị có liên quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể đăng kí tham gia, với mục tiêu phấn đấu trong năm 2020, toàn tỉnh có thêm ít nhất 45 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

       Đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với việc thực hiện Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh... là các hoạt động đã được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm nay.  Không chỉ phấn đấu đạt số lượng sản phẩm theo mục tiêu của Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2023 toàn tỉnh sẽ có hơn 80 sản phẩm OCOP được chứng nhận; Chương trình OCOP năm nay còn chú trọng khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư bài bản về dây chuyền sản xuất, chú trọng về mặt chất lượng của các sản phẩm OCOP tiềm năng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung cũng như phát triển sản phẩm theo chuỗi. Ông Trần Hoàng Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Chúng tôi tập trung phát triển ý tưởng sản phẩm mới, đánh giá trị trường, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm mẫu, thiết kế bao bì nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm, sản xuất thử nghiệm, xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm (nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm), công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đánh giá hoạt động phân phối của sản phẩm trên thị trường. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ các sản phẩm của các đơn vị tham gia chương trình OCOP như: Xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì... Đặc biệt là xây dựng và quản lý có hiệu quả chứng nhận OCOP trở thành chứng nhận mạnh của tỉnh Sóc Trăng trên phạm vi cả nước và thị trường quốc tế”.

       Sóc Trăng với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, khí hậu hài hòa vốn là vùng “đất lành” để phát triển vùng trồng cây ăn trái với đa dạng các loại cây trồng như: Bưởi da xanh, bưởi năm roi, vú sữa tím... Từ lợi thế này, phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản hay các sản phẩm được chế biến từ nông sản luôn là mục tiêu hàng đầu mà Chương trình OCOP tỉnh Sóc Trăng hướng đến. Là một trong những hợp tác xã hoạt động có hiệu quả của tỉnh với 02 loại nông sản chính là bưởi năm roi và bưởi da xanh, sản phẩm của Hợp tác xã Bưởi Thành Công thuộc xã Kế Thành, huyện Kế Sách đã có mặt rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành lân cận. Trong năm 2019, 40 tấn bưởi năm roi của Hợp tác xã cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Đặt mục tiêu là một trong những mặt hàng nông sản tiếp theo được gắn tem OCOP. Bên cạnh việc duy trì quy trình canh tác theo hướng sạch, an toàn, Hợp tác xã còn đầu tư xây dựng nhãn hiệu, bao bì, thực hiện tốt việc cấp mã code vùng trồng để đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà Chương trình đề ra. Anh Lê Văn Phải – Giám đốc Hợp tác xã bưởi Thành Công, xã Kế Thành, huyện Kế Sách chia sẻ: “Trái bưởi mình trồng thường có 2 loại, một loại vỏ xấu nên người ta chỉ quan trọng là nó đảm bảo tốt cho sức khẻo, còn loại thứ hai là phải vừa đẹp vừa đảm bảo chất lượng. Chương trình OCOP thì đòi hỏi ở loại thứ 2 cho nên mình phải chọn lựa kỹ. Trước tiên Hợp tác xã thực hiện khâu tuyển trái, tức là mình loại bỏ những trái xấu, mình chừa lại những trái đẹp và đi phân cho trái bưởi ngon, rồi chuẩn bị in ấn tem các thứ để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu thị trường”.

Khu Farmsaty Sân Tiên (xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung) có nhiều kì vọng trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh về du lịch nông thôn

       Bên cạnh thực hiện mục tiêu cốt lõi là nâng cao vị thế các mặt hàng nông sản sẵn có tại tỉnh nhà, Chương trình OCOP năm 2020 còn hướng đến việc phát triển sản phẩm OCOP trên lĩnh vực du lịch nông thôn. Với mục tiêu đưa các sản phẩm du lịch vào chương trình OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung hướng dẫn cho 02 đơn vị là điểm du lịch Chợ nổi Ngã Năm (thuộc TX. Ngã Năm) và du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên thuộc huyện Cù Lao Dung hoàn thiện thêm các tiêu chí đảm bảo về tính cộng đồng cũng như các điều kiện đón tiếp khách. Việc phát triển sản phẩm OCOP từ hình thức du lịch nông thôn sẽ vừa mang đến doanh thu tốt hơn cho chủ cơ sở, vừa là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh tỉnh nhà nên nhận được sự đồng thuận cao từ các chủ thể.  Anh Trần Quang Cần – Giám đốc Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên cho biết: “Với quyết tâm trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên về du lịch nông thôn của tỉnh, vừa qua chúng tôi cũng xây dựng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ như khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng. Đồng thời tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi như xây dựng cầu tre đi xuyên rừng...”.

       Trong tháng 3 năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020, kết quả có 16 sản phẩm được đánh giá. Như vậy, tính từ khi triển khai đến cuối tháng 4 năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã có 55 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; trong đó có 22 sản phẩm 4 sao, 33 sản phẩm 3 sao. Để sản phẩm OCOP thật sự khẳng định được giá trị thương hiệu cũng như giá trị  kinh tế so với các sản phẩm thông thường khác; thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng hệ thống phần mềm quản lý Chương trình OCOP gắn với quản lý sản phẩm trên Hệ thống tem điện tử thông minh (Tem điện tử thông minh sử dụng mã QR; Ứng dụng SmartLife trên smartphone; Phần mềm quản lý sản phẩm, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất...) đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như bảo mật chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, chú trọng quy hoạch các trung tâm, điểm giới thiệu, xây dựng quy chế quản lý hoạt động của các trung tâm/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

       Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng hành tích cực từ các công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh; OCOP Sóc Trăng về cơ bản đã khẳng định được những hiệu quả tích cực trong việc lan tỏa thương hiệu riêng của từng địa phương, tăng cường sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường. Đồng thời  giải quyết tốt bài toán việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông hộ. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi 02 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Ngọc Thơ

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85168383

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.