Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tích cực chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đặc biệt là sự quyết tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xem chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 10 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình hơn 16.625 tỉ đồng; trong đó, vốn Trung ương hơn 707 tỉ đồng, vốn địa phương hơn 992 tỉ đồng, vốn lồng ghép hơn 5.163 tỉ đồng, vốn tín dụng hơn 7.628 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 746 tỉ đồng và vốn người dân đóng góp hơn 1.387 tỉ đồng.
Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được các địa phương chú trọng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, đời sống vật chất của người dân tăng lên đáng kể, sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Tôm, cây ăn trái, lúa đặc sản, bò thịt - bò sữa, gia cầm, hành tím… xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/người/năm (tăng 2 lần so với năm 2010, hộ nghèo còn 8,4%, giảm 13,91% so với năm 2011).
Qua 10 năm thực hiện chương trình đã có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40 xã được công nhận đạt chuẩn và 2 xã đang lập hồ sơ trình công nhận (vượt 105% so với chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy), tăng 23 xã so với lúc kết thúc giai đoạn 1 (năm 2015). Ước đến cuối năm 2019 có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt từ 12-17 tiêu chí. Về cấp huyện, Mỹ Xuyên đang quyết liệt thực hiện 2 tiêu chí của huyện nông thôn mới là quy hoạch; văn hóa - giáo dục - y tế, phấn đấu sẽ công nhận vào quý I-2020. Riêng TX. Ngã Năm đã trình hồ sơ cho Trung ương thẩm định.
Đồng chí Trần Văn Chuyện trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích. Ảnh: Thiện Hải
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đánh giá kết quả của 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trong đó tập trung đánh giá những kết quả, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình. Nhiều đơn vị tập trung báo cáo về một số nội dung như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phương pháp thực hiện, bài học kinh nghiệm để đạt chuẩn huyện nông thôn mới; việc huy động nguồn lực xây dựng công trình hạ tầng; công tác thực hiện tuyến đường hoa ở xã... Đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm giữ vững và phát huy các tiêu chí đã đạt được, hoàn thiện các tiêu chí còn lại trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình. Theo đó, còn một số tiêu chí chưa thực sự bền vững, tiến độ thực hiện nâng chất các tiêu chí tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn chậm, kinh tế nông thôn tuy có bước phát triển nhưng sản xuất nông nghiệp còn rủi ro, liên kết sản xuất còn thiếu bền vững, một số tuyến kênh, rạch vùng nông thôn còn ô nhiễm môi trường.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí Phan Văn Sáu đề nghị những địa phương có xã đạt tiêu chí thấp cần quyết liệt tập trung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để hiểu rõ lợi ích và trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới, phân công cho từng cơ quan, đơn vị phụ trách từng tiêu chí, địa bàn, định kỳ kiểm tra đôn đốc sơ kết đánh giá việc thực hiện, quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành địa phương kiểm tra, hướng dẫn duy trì nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng nông thôn mới, thường xuyên phổ biến các mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất sạch. Chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống và an tâm sản xuất.
Bên lề Hội nghị, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày, giới thiệu cho đại biểu tham quan. Dịp này, có 01 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích trong phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, 10 tập thể và 108 cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã được trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.