Năng lực làm việc, kỹ năng giao tiếp và mức độ am hiểu của công chức cấp xã đạt trên 80%
Năm 2019, tổng số công chức cấp xã tham gia đợt kiểm tra, đánh giá là 820 người, thuộc 5 chức danh: Văn phòng - Thống kê, Tài chính - Kế toán, Văn hóa - Xã hội, Tư pháp - Hộ tịch, Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã) hoặc Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn). Để đánh giá được năng lực làm việc, kỹ năng giao tiếp và mức độ am hiểu của công chức cấp xã, Sở Nội vụ đã tiến hành kiểm tra lý thuyết và thực hành tin học. Qua đánh giá chung, tỷ lệ công chức đạt kết quả thi lý thuyết và thực hành tin học khá cao, trên 80%.
Cụ thể, kết quả kiểm tra lý thuyết của công chức cấp xã được xác định dựa trên 20 câu hỏi xoay quanh 4 nội dung chính bao gồm: Nhóm kiến thức cải cách hành chính (CCHC), tin học, kỹ năng soạn thảo văn bản; nhóm kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ theo từng chức danh và nhóm kiến thức về xử lý tình huống trong giao dịch hành chính. Qua đó, tổng số công chức có kết quả kiểm tra trên trung bình là 713/820 người, đạt tỷ lệ 86,95%; tăng 0,34% so với năm 2018. Trong đó, có 5/11 đơn vị đạt tỷ lệ cao hơn mức trung bình chung; 11/11 đơn vị đều có tỷ lệ đạt trên trung bình (thấp nhất là 81,82%). Mặc dù số lượng công chức đạt kết quả từ trung bình trở lên đạt tỷ lệ cao, tuy nhiên, nếu xét về số điểm chi tiết của từng nhóm kiến thức, kết quả kiểm tra lại có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, tỷ lệ bình quân câu trả lời đúng chỉ đạt 65,27% (tăng 0,04% so với năm 2018), trong đó huyện Thạnh Trị có số câu trả lời đúng nhiều nhất (đạt 71,86%) và thấp nhất là huyện Long Phú (đạt 61,43%). Trong số 34,73% câu trả lời sai, có đến 11,57% rơi vào nhóm kiến thức chuyên môn; đây là một trong những điểm các đơn vị cần đặc biệt lưu ý, việc đưa công chức tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên môn là rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của công chức cấp xã.
Đối với phần thi tin học, tỷ lệ công chức đạt điểm ở phần thi này từ 50% trở lên khá cao, cao nhất ở huyện Châu Thành (100%), thấp nhất là TP. Sóc Trăng (87,84%). Cụ thể, từng tiêu chí cũng được đánh giá rõ ràng. Việc gửi email thành công thì huyện Châu Thành có tỷ lệ công chức gửi email thành công cao nhất (đạt 100%), thấp nhất tiêu chí này thuộc về huyện Long Phú (chỉ đạt 76,19%). Việc đặt đúng tên file và tiêu đề email thì tỷ lệ công chức hoàn thành tiêu chí này khá thấp (dưới 71%), thấp nhất thuộc về huyện Mỹ Tú (chỉ đạt 33,82%). Đối với tiêu chí soạn thảo văn bản thì huyện Mỹ Xuyên đạt tỷ lệ cao nhất là 58,90%, trái ngược với Mỹ Tú chỉ đạt 16,18%. Tìm đúng và tải file được yêu cầu tìm kiếm, tiêu chí này dùng để đánh giá khả năng sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành của công chức; tiêu chí này đạt tỷ lệ khá cao tại các đơn vị (trên 76%), điều này cho thấy, các đơn vị có quan tâm, chỉ đạo công chức sử dụng phần mềm, đạt cao nhất trong nhóm này thuộc về TX. Ngã Năm (đạt 92,98%).
Công chức cấp xã thuộc huyện Mỹ Xuyên tham gia kiểm tra, đánh giá năng lực. Ảnh: H.Lan
Đồng chí Huỳnh Văn Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, kỹ năng làm việc đã tác động đến tâm lý và ý thức tự cập nhật, nâng cao kiến thức của công chức. Công chức có bước chủ động rà soát, hệ thống công việc, nhiệm vụ được giao, tập trung nghiên cứu văn bản liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách. Từ kết quả kiểm tra, Sở Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; siết chặt kỷ cương trong các cơ quan đơn vị thuộc phạm vi mình quản lý. Chỉ đạo, lãnh đạo UBND cấp xã quan tâm sắp xếp, bố trí công chức làm việc tại Bộ phận một cửa có năng lực, am hiểu công việc, giúp đỡ lẫn nhau nhằm phát huy khả năng của từng công chức và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi đến liên hệ giải quyết TTHC.
Đối với công chức cấp xã cần thường xuyên trau dồi kiến thức CCHC, kiến thức chuyên môn; đầu tư nghiên cứu văn bản liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách; nâng cao kỹ năng soạn thảo văn bản, tin học, đặc biệt là thao tác trên môi trường mạng, thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành.
Các sở ngành tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra công tác chuyên môn, nghiệp vụ của công chức cấp xã theo lĩnh vực ngành quản lý. Quan tâm phối hợp cùng địa phương tổ chức các lớp cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp của ngành quản lý… góp phần nâng cao năng lực làm việc, kỹ năng giao tiếp và mức độ am hiểu của công chức cấp xã trong thời gian tới.