Bài phát biểu của ông Lâm Văn Mẫn tại Hội nghị về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng
Toàn văn bài phát biểu của ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh uỷ tại Hội nghị về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng vào ngày 15/12/2021. 
Kính thưa đồng chí PGS. TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT,
 
Thưa đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT,
 
Thưa đại diện lãnh đạo các Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn FPT,
 
Thưa đại biểu tham dự tại các điểm cầu.
 
Trước hết chúng tôi cảm ơn Tập đoàn FPT đã phối hợp chặt chẽ, kỹ lưỡng với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức buổi Hội nghị về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng, tôi nhận thấy đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay khi mà tỉnh đang trong quá trình thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế; đồng thời, cùng với các tỉnh trong cả nước thực hiện mục tiêu Chuyển đổi số Quốc gia theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ.
 
Thưa các đồng chí,
 
Qua nghe báo cáo tóm tắt về tình hình, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; sự cần thiết của Chuyển đổi số trong việc tạo động lực phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội do lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày; cho thấy rằng bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi số của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
 
Công nghệ số chưa được ứng dụng sâu, rộng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc số hoá và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp tỉnh còn rất hạn chế; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động.
 
Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; chuyển đổi số của người dân còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc. Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế.
 
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh còn thấp. Tình hình an toàn, an ninh mạng tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 
Trên cơ sơ đó, Tỉnh uỷ đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp trong Nghị quyết về Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; để triển khai thực hiện đạt các chỉ tiêu Nghị quyết cần sự vào cuộc của cả thệ thống chính trị, người dân và đặc biệt là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
 
Qua phát biểu chia sẻ của đồng chí Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT; đại diện lãnh đạo các Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn FPT, chúng ta thấy rõ tỉnh cần phải nỗ lực rất nhiều và làm tốt hơn nữa để Nghị quyết đạt mục tiêu đề ra và đi vào đời sống, mà trọng tâm là thực hiện được Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số đúng tiến độ, yêu cầu và phải thực chất.
 
Bên cạnh đó, qua báo cáo tham luận của đại diện lãnh đạo các sở ngành tỉnh trên các lĩnh vực về quá trình Chuyển đổi số mà trọng tâm là những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất của các sở đã nêu lên và được đại diện lãnh đạo các Công ty thành viên Tập đoàn FPT trả lời rất chi tiết, cụ thể.
 
Thưa các đồng chí,
 
Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đi cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng chuyển đổi số, để chúng ta bứt phá, vượt lên. Chuyển đổi số là cơ hội vô giá đối với nước ta, cũng là cơ hội cuối cùng của nước ta trong vòng một vài thập kỷ tới. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, chúng ta sẽ bị tụt lại sau các quốc gia khác xa hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định: Chuyển đổi số là bước phát triển khách quan, nghĩa là chúng ta muốn phát triển không bị bỏ lại phía sau, thì phải thực hiện nó, không có con đường nào khác.
 
Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn diễn ra và đang diễn ra. Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa kinh tế số của Việt Nam nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng phát triển nhanh, đạt mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đề ra và để Nghị quyết Chuyển đổi số của tỉnh đi vào cuộc sống, chúng ta cần thống nhất một số quan điểm:
 
(1). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức.
Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương.
 
(2). Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.
Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.
 
(3). Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số.
Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chấp nhận và thử nghiệm cái mới một cách có kiểm soát; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; làm điểm, làm nhanh, sau đó đánh giá và nhân rộng.
 
(4). Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu cho các dịch vụ công trực tuyến. Các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần được phát triển trước.
 
Xác định dữ liệu dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải được hoàn thành, đưa vào khai thác sớm để dẫn dắt, liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu trong cơ quan nhà nước về các ngành, lĩnh vực.
 
(5). Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt.
 
(6). Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
 
Về một số nhiệm vụ chung:
 
(1). Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về sự cấp thiết của chuyển đổi số, đáp ứng xu thế bùng nổ công nghệ thông tin, công nghệ số.
 
(2). Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, trao đổi để sớm có văn bản thỏa thuận hợp tác về Chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 với Tập đoàn FPT. Trong đó, có nội dung FPT phối hợp, hỗ trợ cho tỉnh Sóc Trăng tổ chức truyền thông; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp và hộ gia đình; thực hiện tốt mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết.
 
(3). Các sở, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, kịp thời đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh phối hợp với Tập đoàn FPT hỗ trợ triển khai trong quá trình Chuyển đổi số của ngành, địa phương mình.
 
Về một số nhiệm vu cụ thể đến năm 2025:
 
(1). Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế:
 
Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số;
 
Ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
 
- 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
 
- 100% người dân được định danh y tế.
 
- 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử.
 
- 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế…
 
(2). Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục
 
Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay. Số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
 
Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số.
 
(3). Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách
 
Xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số. Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, kho bạc.
 
Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình.
 
(4). Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
 
Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.
 
Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
 
(5). Chuyển đổi số lĩnh vực an sinh xã hội:
 
Tận dụng các kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phát triển thành cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về an sinh xã hội.
 
Yêu cầu mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR Code, mỗi người dân đều có hồ sơ về sức khoẻ cá nhân. Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập của cá nhân.
 
(6). Chuyển đổi số trên lĩnh vực tài nguyên môi trường
 
80% cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn, sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành chính quyền điện tử.
 
(7). Chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch
 
Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch nghiên cứu việc tích hợp nền tảng đa tiện ích, như: Bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh toàn quốc, chia sẻ thông tin về các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, khám phá điểm đến; truyền thông du lịch trên nền tảng số cũng như việc chuẩn bị cho lộ trình “hộ chiếu vắc xin”.
 
Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, tỉnh Sóc Trăng rất mong Tập đoàn FPT hỗ trợ địa phương trong công tác đào tạo, hướng dẫn chuyên sâu cho lực lượng tham gia vào quá trình thực hiện Chuyển đổi số; bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nhanh chóng, thành công.
 
Tỉnh rất mong muốn Tập đoàn FPT chia sẻ, định hướng giới thiệu sản phẩm, hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực của Chuyển đổi số để tỉnh có bước phát triển đột phá trên các lĩnh vực (y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, an sinh xã hội và một số lĩnh vực quan trọng khác…). Tạo điều kiện cho tỉnh tham quan, tiếp cận, tìm hiểu những ứng dụng, công nghệ mới, hiện đại nhằm đầu tư, triển khai công nghệ số hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương.
 
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, một lần nữa tôi xin trân trọng cảm ơn Tập đoàn FPT đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng.
 
Kính chúc sức khoẻ các đại biểu, khách quý tham dự Hội thảo.
 
Xin trân trọng cảm ơn!
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86043150

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.