Góp phần nhận diện và phản bác luận điệu xuyên tạc vấn đề quyền con người trong Luật An ninh mạng
Luật ban hành đã giúp chúng ta thấy được những ưu việt và điểm nhấn của Luật An ninh mạng trong bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
- Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm là các hành vi gây phương hại đến chế độ và nhà nước CHXHCN Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Những hành vi này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự; đa số là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định và dẫn chiếu từ đời sống thực lên không gian mạng, một số hành vi cũng được một số văn bản luật của quốc gia khác quy định. Do đó, không có căn cứ để cho rằng các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật An ninh mạng là “vi phạm quyền con người”, “bóp nghẹt quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận”.
- Luật An ninh mạng không có quy định nào ngăn cản, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân. Các hoạt động liên lạc, trao đổi, đăng tải, chia sẻ thông tin, mua bán, kinh doanh, thương mại... vẫn diễn ra bình thường trên không gian mạng, không hề bị ngăn cản, cấm miễn là những hoạt động đó không vi phạm pháp luật của Việt Nam. Công dân có thể làm bất cứ điều gì trên không gian mạng mà pháp luật Việt Nam không cấm. Ngược lại, tại Chương 3 Luật An ninh mạng về phòng ngừa và xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng đã có những quy định nhằm bảo vệ cho các hoạt động tự do ngôn luận, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi mua bán, kinh doanh, trao đổi, thương mại trên không gian mạng.
- Luật An ninh mạng không làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng. Ngược lại, thông tin cá nhân được Luật An ninh mạng bảo vệ chặt chẽ. Theo quy định tại Điều 17, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Các hành vi như chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của người khác mà chưa được phép của người sử dụng hoặc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý. Luật cũng quy định đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng nếu lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của người sử dụng. Chỉ khi phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, Luật An ninh mạng mới yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin cá nhân có liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật đó. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
- Luật An ninh mạng không cấm người dân truy cập Facebook, Google, Youtube,... người dân Việt Nam vẫn được tự do truy cập vào các trang mạng của Facebook, Google, Youtube hay bất kỳ trang mạng xã hội nào khác ở trong và ngoài nước. Ngược lại, Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ về an ninh mạng cho người dân khi tham gia hoạt động trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, người nào sử dụng bất kỳ trang mạng xã hội nào để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, tình trạng lừa đảo, tội phạm trên không gian mạng diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng; các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, video clip có nội dung đồi trụy được tuyên truyền, tán phát trên không gian mạng..., ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần và gây thiệt hại nhiều mặt đến đời sống người dân, thậm chí đe dọa đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Luật An ninh mạng ra đời là một trong những cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên môi trường mạng. Đây cũng là vũ khí pháp lý để ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng không gian mạng để xâm hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cá nhân.