Xây dựng nếp sống mới
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa được Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua nhiều hình thức như: phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp tổ dân cư, các hội thi, hội diễn ở cơ sở… từ đó các gia đình đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình văn hóa và tự nguyện đăng ký tham gia. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã được triển khai sâu rộng, với sự tham gia tích cực của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể và đông đảo nhân dân. Công tác đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận danh hiệu gia đình văn hóa được các địa phương tổ chức thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ, đảm bảo đúng quy trình nên chất lượng, số lượng công nhận gia đình văn hóa ngày càng tăng và có nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc được biểu dương, khen thưởng tại cộng đồng dân cư.
Đồng chí Lê Thị Hồng Cẩm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Tú chia sẻ: “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành động lực để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Các gia đình văn hóa đều là những nhân tố tích cực trong nhiều cuộc vận động, các phong trào thi đua, là những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, cũng là nhân tố quan trọng tham gia cùng với các ngành, các cấp trong việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Các gia đình văn hóa còn là những tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tích cực tiên phong trong việc xây dựng nông thôn mới…”.
Điển hình như gia đình ông Phạm Gia Châu ở ấp Phước Bình, xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú) đã hiến trên 4.200m2 đất để xây dựng Trường Tiểu học Mỹ Thuận C. Theo ông Châu, do cơ sở vật chất, trường lớp trên địa bàn còn không ít khó khăn. Là một đảng viên, cán bộ xã nên phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, đồng thời với truyền thống sư phạm của gia đình, ông mong muốn các em học sinh có được môi trường học tập tốt nhất. Còn Chị Sơn Thị Nê ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) chia sẻ: “Trước đây có tình trạng trộm cắp làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Từ ngày phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá nông thôn mới đến nay, người dân nâng cao nhận thức, nhà nhà ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, tuyến đường sáng - xanh - sạch đẹp. Gia đình tôi đóng góp 26 triệu đồng xây dựng công trình “thắp sáng đường quê”. Từ đó, tình hình an ninh trật tự ổn định, bà con đi lại vào ban đêm cũng an toàn hơn”.
Diện mạo vùng quê ở các xã nông thôn mới ngày càng đổi mới
Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở nông thôn
Cùng với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Phong trào đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản công cộng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cộng đồng; thực hiện nếp sống văn minh; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Đối với các xã có đông đồng bào Khmer, thông qua Chương trình 135, những chính sách dân tộc, đời sống của người dân các xã, ấp đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt. Cơ sở hạ tầng ở các xã, ấp được đầu tư, nâng cấp nhất là hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, trường học... được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy lĩnh vực khác phát triển. Ông Sơn Sóc Hiên, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị chia sẻ: “Cùng với các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc Khmer, Đảng, Nhà nước còn quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển nền văn hóa của dân tộc thiểu số. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư xây dựng. Việc bảo tồn các di tích lịch sử, gìn giữ, phát triển ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc luôn được coi trọng. Các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc được tổ chức theo truyền thống. Hàng năm, tỉnh tổ chức họp mặt nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, truyền hình trực tiếp văn nghệ nhân lễ Sene Đôn Ta, duy trì và nâng tầm lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo...”.
Ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh đã tập trung thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc về vật thể, phi vật thể được chú trọng. Toàn tỉnh có 45 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 8 di tích cấp quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh và có 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; phát huy tốt các lễ hội truyền thống dân tộc, nhất là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển. Ước thực hiện năm 2020, có 293.737 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 89,8%, tăng 11.870 hộ so với năm 2015; có 725 ấp, khóm văn hóa, đạt tỷ lệ 93,5%, tăng 93 ấp, khóm so với năm 2015”.
Ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các giải pháp để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn Trung ương và bố trí ngân sách tỉnh ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trước mắt sớm xây dựng sân vận động, nhà thi đấu tổng hợp tỉnh, trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị xã… Đầu tư kinh phí thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng bị xuống cấp và phát triển một số môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh”.
Chí Bảo