Xã Tham Đôn có khoảng 73% dân số là đồng bào Khmer, năm 2011, từ khi bắt đầu xây dựng NTM, xã có 5/19 tiêu chí đạt chuẩn, thu nhập bình quân chỉ đạt 8,4 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chiếm trên 31,38%. Qua quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đến nay, mức thu nhập bình quân của người dân đã đạt 41,45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 3,82%.
Ông Liêu Kim Dường ngụ tại ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ bò nuôi, từ đó gia đình có vốn để tích lũy dần, bây giờ tôi cất được nhà ở khang trang, cuộc sống được ổn định hơn”.
Đồng chí Lê Minh Tán - Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết: “Được cấp trên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhất là giao thông, y tế, giáo dục, từ đó mà tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của xã Tham Đôn phát triển, đời sống của nhân dân nâng lên”.
Cũng là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, xã Thạnh Quới có hơn 52% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay chiếm 6,25%. Thế nhưng, diện mạo của vùng quê này đang dần đổi thay, các con đường liên ấp, xã được nâng cấp, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, nhất là các vùng có đông đồng bào Khmer, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Sơn Thanh Long ngụ tại ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới chia sẻ: “Được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế. Năm 2018, gia đình tôi được công nhận thoát nghèo, từ đó cố gắng làm ăn vươn lên khấm khá”.
Diện mạo của xã nông thôn mới Tham Đôn ngày càng đổi mới
Đồng chí Sơn Hoàng Sửa - Bí thư Chi bộ ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới cho biết: “Đầu năm 2019, UBND xã giao chỉ tiêu giảm 55/77 hộ nghèo, giảm hộ cận nghèo là 32/136 hộ. Ban nhân dân ấp Phú Giao lập danh sách dự kiến thoát hộ cận nghèo là 51 hộ. Tập thể ấp Phú Giao quyết tâm khảo sát, rà soát hộ nghèo để đạt tiêu chí là ấp NTM của xã Thạnh Qưới”.
Huyện Mỹ Xuyên có hơn 33% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, những năm qua, diện mạo nông thôn ở Mỹ Xuyên đổi thay từng ngày. Điện đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo đó tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất tinh, tinh thần của người dân được nâng lên. Kết quả này có một phần nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM mang lại.
Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên xác định đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bộ tiêu chuẩn NTM chính là tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Cơ sở hạ tầng nông thôn như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, lưới điện quốc gia và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất hoàn thiện hơn phục vụ đắc lực cho quốc kế, dân sinh. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, nhất là con dân tộc Khmer ở địa phương, đó cũng là mục tiêu cao nhất của chương trình xây dựng NTM.
Đồng chí Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên nhấn mạnh: “Huyện Mỹ Xuyên được tỉnh chọn là huyện điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM, thời gian qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Mỹ Xuyên đã đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng khắc phục mọi khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất tăng thu nhập, nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2019, huyện tập trung mọi nguồn lực để 2 xã Thạnh Phú và Thạnh Quới đạt chuẩn NTM đúng theo kế hoạch”.
Theo kế hoạch, trong quý III năm nay, 2 xã còn lại là Thạnh Phú và Thạnh Quới sẽ được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM trong cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2020 để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Tuyết Xuân