18/02/2019
Xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc
Sáng ngày 15/02, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới - Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2018. Dự Hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lâm Văn Mẫn - Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Phan Thanh Mừng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; đại diện lãnh đạo cấp huyện, thị xã và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, diện mạo nông thôn của tỉnh từng bước phát triển theo quy hoạch, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh và hiện đại, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch... đã cơ bản phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Mức sống của người dân từng bước được nâng lên, bình quân mỗi năm giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo và hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm trên 4,5%, thu nhập tăng 6,48 triệu đồng/người/năm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 11 đến 17 tiêu chí, tỷ lệ này cao hơn bình quân khu vực đồng bằng sông Cửu Long 5,3%.
Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đưa ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2019 sẽ có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Mỹ Xuyên và thị xã Ngã Năm cơ bản hoàn thành chỉ tiêu huyện nông thôn mới, thị xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên; mỗi huyện, thị có ít nhất 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hội nghị đã tập trung thảo luận các nội dung về toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; việc thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch. Một số địa phương cũng báo cáo thêm về kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới; kết quả thực hiện 15 tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, 7 tiêu chí ấp văn hóa nông thôn mới nhằm thực hiện xã nông thôn mới nâng cao năm 2019; công tác vận động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, các đơn vị cũng chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương và đề xuất, kiến nghị các sở ngành liên quan hỗ trợ để thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng nông thôn mới…
Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu cho biết, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Xây dựng nông thôn mới phải gắn chặt chẽ với chương trình xóa đói giảm nghèo, phải đảm bảo thực chất hiệu quả bền vững, không chạy theo thành tích”. Bí thư cũng đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Nhân dân, cộng đồng dân cư và cả hệ thống chính trị để hiểu rõ nội dung, cách làm, chính sách của nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Bí thư Tỉnh ủy cho biết thêm: “Xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ, huy động nội lực chính trong Nhân dân với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì công cuộc xây dựng nông thôn mới mới thành công và bền vững”.
Dịp này, có 01 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngoài ra, 05 tập thể và 14 cá nhân khác có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới cũng được tặng Bằng khen của UBND tỉnh.
Thiện Hải