Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội để thoát khỏi tình trạng kém phát triển, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông Đặng Văn Phương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Qua hơn 8 năm thực hiện, huyện gặp không ít khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các sở, ban ngành đã tạo điều kiện và giúp đỡ huyện xây dựng kết cấu hạ tầng, điện, đường, trường, trạm để có được diện mạo đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) ngày càng khởi sắc”.
Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, những tiêu chí mà 10 xã trong huyện xác định khó đạt là tiêu chí số 16 về văn hóa, tiêu chí số 17 về môi trường, đặc biệt là tiêu chí số 11 về hộ nghèo, bởi lúc đó trên địa bàn huyện chỉ có vài mô hình sản xuất nhỏ, thu nhập của người dân không ổn định. Để vượt khó, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền vận động nông dân áp dụng mô hình sản xuất có hiệu quả cao như: Tôm - lúa - màu - chăn nuôi. Ông Lê Văn Hiếu - ấp Định Hòa, xã Gia Hòa 1 cho biết: “Đời sống người dân ở đây tập trung nông nghiệp tôm - lúa, sau khi thu hoạch tôm, lấp lại vụ lúa, để làm ăn cho có hiệu quả và vừa cải tạo đất. Địa phương hay lại vận động, vùng đất này làm một vụ tôm, một vụ lúa cho ăn chắc. Làm mô hình này thấy rất hiệu quả, nên người dân ở đây cũng rất đồng tình làm theo”.
Đi cùng với đó, huyện Mỹ Xuyên tập trung tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng quy mô phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mỹ Xuyên từ 19,5 triệu đồng năm 2010, nay tăng lên 38,9 triệu đồng; giá trị sản xuất trên 01 ha đất nông nghiệp từ 80 triệu đồng, tăng lên 164 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 27,93% giảm xuống còn 3,97%. Điều đáng ghi nhận là nhờ có phong trào xây dựng nông thôn mới mà người dân đã tự ý thức được trách nhiệm của mình.
Người dân tham gia trồng hoa, cây cảnh
Đổi thay ở xã Tham Đôn, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống là minh chứng hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ chỗ điện, đường, trường, trạm gần như không có gì, cuộc sống người dân rất khó khăn, đến nay, 14 ấp của xã Tham Đôn đều có đường lộ nhựa và bê tông thông thương với nhau. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, các mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Tham Đôn từ 24% năm 2010, nay xuống còn 3,8%. Bà Kim Thị Bé - ấp Trà Bết, xã Tham Đôn nhớ lại: “Trước đây người dân sống ở ấp Trà Bết rất là cơ cực, điện thì cũng không có thắp sáng, rồi cũng không có nước sạch mà dùng nữa, đường đất đi trơn trượt. Giờ được lên nông thôn mới rồi, đường đal nhà nước cũng làm cho, rồi hỗ trợ điện cho thắp sáng, có nước sạch. Đời sống nơi đây mình thấy rất là khá”.
Đến nay, huyện Mỹ Xuyên đã có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Ngọc Tố, Hòa Tú 1, Đại Tâm, Hòa Tú 2, Ngọc Đông, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2 và Tham Đôn, còn lại xã Thạnh Phú cũng đạt 17/19 tiêu chí, xã Thạnh Quới cơ bản đạt 16/19 tiêu chí. Ông Đặng Văn Phương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Trong thời gian tới, 02 xã còn lại là Thạnh Phú và Thạnh Quới phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2019 và dự kiến huyện Mỹ Xuyên đến năm 2020 đạt chuẩn huyện nông thôn mới, cố gắng tiếp tục phát triển và duy trì các xã đã đạt chuẩn được nâng cao và kiểu mẫu”.
Với sự quyết tâm của Đảng bộ và sự đồng thuận của Nhân dân, tin rằng, năm 2020, huyện Mỹ Xuyên sẽ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Thiện Nhận