15/03/2022
Long Phú tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách phát triển hợp tác xã
Thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Long Phú đã có sự phát triển không ngừng, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã được Trung ương và tỉnh ban hành nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chính sách này còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để giúp các hợp tác có thể dễ dàng tiếp cận.
Với 48 tổ hợp tác và 23 hợp tác xã nông nghiệp, trên 2.260 thành viên tham gia, có diện tích canh tác hơn 3.359 ha và có số vốn điều lệ hơn 4,5 tỷ đồng, kinh tế tập thể của huyện Long Phú đã trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế của huyện trong thời gian qua. Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã từ Trung ương đến địa phương cũng được ban hành, tạo điều kiện cho hợp tác xã hưởng nhiều ưu đãi về chính sách thuế; vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã đã hoạt động bài bản hơn, chủ động phát triển thêm nhiều ngành nghề, mở rộng quy mô sản xuất, tự chủ trong hoạt động, khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng tại địa phương. Bên cạnh những hiệu quả mang lại, việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn huyện vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.
Hợp tác xã sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa.
Theo ông Lâm Văn Vũ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, phần lớn các hợp tác xã hoạt động, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều hợp tác xã còn trong tình trạng khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trình độ khoa học kỹ thuật sản xuất còn lạc hậu, năng lực của cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế, nên khó đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường. Một số chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với mô hình hợp tác xã trước đây phát huy hiệu quả chưa cao, nguồn lực phân bổ còn hạn chế, việc tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất, chế biến của hợp tác xã còn thiếu quy hoạch, chưa được giải quyết kịp thời. Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, đất đai, mở rộng nhà xưởng, hạng mục công trình của hợp tác xã còn khó khăn...
Cũng theo ông Lâm Văn Vũ, nhìn nhận lại những hạn chế trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể thời gian qua, thời gian tới, huyện cần có sự rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hợp tác xã, bổ sung các chính sách ưu đãi thích hợp với hợp tác xã, khuyến khích hợp tác xã phát triển. Song song đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò của kinh tế tập thể; xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng cường liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa của người dân; ban hành các chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã, có chính sách ưu đãi đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa bàn khó khăn.
Sóc Ca