Long Phú: Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19
Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 02-2-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc đón lễ, tết cổ truyền của đồng bào Khmer năm 2021 và thực hiện Kế hoạch số 147/KH-UBND ngày 24-9-2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc tổ chức họp mặt nhân dịp Lễ Sene Đôlta năm 2021 của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, UBND huyện Long Phú chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Hướng dẫn tổ chức họp mặt Lễ Sene Đôlta phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo chu đáo, đổi mới, thân mật, vui tươi, an toàn và tiết kiệm.
Trên địa bàn huyện Long Phú hiện có 5 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với gần 11.500 tín đồ; 41 chức sắc và 48 chức việc. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện Long Phú nói chung, sư sãi, phật tử Nam tông Khmer nói riêng đã nghiêm túc dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo tập trung, khuyến khích thực hiện sinh hoạt tôn giáo theo hình thức trực tuyến; vận động chức sắc, chức việc, các tín đồ tôn giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành và vận động gia đình, dòng họ, xóm giềng thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và khuyến cáo của cơ quan chức năng. Theo đồng chí Thạch Hoàng Tha - Trưởng phòng Dân tộc huyện Long Phú, dịp Lễ Sene Đôlta năm nay, phòng Dân tộc tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tổ chức các hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi, chúc mừng, tặng quà cho các chùa và một số hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer tiêu biểu, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với bà con Khmer; thông qua các hoạt động gặp gỡ, họp mặt để tiếp tục thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được trong thời gian qua; kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội và các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới… Đồng thời tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân các vị sư sãi, achar, người có uy tín và đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện sớm ngăn chặn được dịch bệnh, giữ vững vùng xanh, đưa cuộc sống bà con trở lại trạng thái bình thường mới.
 
“Sene Đôlta” dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là (cúng ông, bà) do đó, Lễ hội Sene Đôlta bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian. Từ xa xưa, đồng bào Khmer cho rằng: Ngoài thế giới hiện hữu còn có thế giới hồn linh, con người chỉ chết đi về thể xác, nhưng linh hồn thì vẫn tồn tại ở cõi vĩnh hằng. Xuất phát từ đó, hình thức sene (cúng) là một lễ thức không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Khmer, với mục đích là để vừa bày tỏ lòng biết ơn, vừa cầu mong đạt được những điều tốt lành, phước đức của người đang sống đối với người đã khuất. Việc “sene” chủ yếu nhằm vào hai đối tượng là hồn linh những người đã chết có quan hệ huyết thống với mình và những người có công tạo lập, bảo vệ cộng đồng dân tộc. Thượng tọa Thạch Thươl - Chi hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú nói: “Lễ Sene Đôlta còn được gọi là lễ Phchum banh (Ph-chum banh) là lễ tụ hội phước đức, vì người Khmer xem lễ này là lễ lớn nhất trong các lễ tạo phước đức, bởi người Khmer làm bất cứ một lễ nào, hầu như tất cả để tạo nên phước đức. Đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ qua đời sung sướng nhất là cốt, tro than được lưu giữ trong tháp cốt của nhà chùa, được mát mẻ dưới bóng cây Bồ đề, may mắn hơn, nếu có con, hoặc cháu trai xuống tóc đi tu báo hiếu, linh hồn người chết ít bị tác động, mà quay lại phù hộ cho những người hiện đang sống, nên trong nhà của người Khmer bàn thờ tổ tiên không quan trọng bằng bàn thờ phật (điểm này thì hơi khác so với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Kinh, vì đối với người Kinh, nơi trang trọng và tôn nghiêm nhất được đặt chính giữa nhà đó là bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Theo Thượng tọa Thạch Thươl, mỗi năm cứ đến rằm tháng 8 âm lịch, các vị sư sãi, achar cùng đồng bào phật tử đến chùa làm lễ đặt cơm vắt (tục đặt cơm, bánh, trái, trà, nước… cho ma quỷ ở xung quanh chánh điện, trước thời gian diễn ra Lễ Sene Đôlta 15 ngày). Đây là tục quan trọng nhất đối với đồng bào phật tử người Khmer thể hiện sự báo hiếu của con cái đối với ông bà, cha mẹ. Nhưng năm nay vì thực hiện nghiêm tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, nên tất cả các hoạt động này của các chùa trên địa bàn huyện Long Phú đều tạm dừng, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch”.
 
Bà con phật tử đến chùa đều chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, tất cả các vị sư sãi, các vị achar, người có uy tín và đồng bào phật tử rất đồng tình và ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Bà Sơn Thị Lệ, phật tử chùa Bưng Crô Chắp Thmây, xã Tân Hưng, huyện Long Phú cho biết: “Mỗi năm cứ đến rằm tháng 8, gia đình tôi đều tất bật chuẩn bị chu đáo các đồ vật để đến chùa đặt cơm vắt và được nghe các vị achar nói chuyện, các vị sư tụng kinh cầu siêu, cầu bình an, tỏ lòng báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, năm nay để đảm bảo phòng, chống dịch, tôi không đi chùa như mọi năm, chỉ điện hỏi các vị sư và achar, tôi hiểu rằng, lòng thành là ở tại tâm, trong lòng thành kính tưởng nhớ tri ân thì dù có tham dự lễ, hay có đến chùa hay không đều thể hiện ở tấm lòng mình, nhưng đều quan trọng hơn là tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, không chỉ dịp rằm tháng 8, dịp Lễ Sene Đôlta mà từ đây về sau, các dịp 30, ngày rằm hàng tháng, tôi cũng không đến chùa mà chỉ thắp hương, làm lễ ở nhà cho đến khi nào hết dịch mới thôi”.
 
Thờ cúng tổ tiên, báo hiếu ông bà, cha mẹ, cúng cầu siêu cho các vong linh được yên an trong dịp rằm tháng 8, nhất là dịp Lễ Sene Đôlta là truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer, tuy nhiên trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã và đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch thì mỗi người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, tạm gác việc riêng để đảm bảo an toàn cho bản thân, cộng đồng, góp phần sớm đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh.
 
Sóc Ca
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86028173

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.