Công tác dân số ở vùng đồng bào dân tộc Khmer huyện Long Phú ngày càng tiến bộ
              Xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhân thức về dân số - KHHGĐ của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Long Phú tích cực phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn cộng đồng nhằm vận động người dân, nhất là trong đồng bào dân tộc Khmer thực hiện hiệu quả chính sách về dân số - KHHGĐ, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

             Huyện Long Phú là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Quan niệm gia đình phải đông con, nhiều cháu thì mới có phúc, phải “Có con trai nối dõi”… vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều hộ gia đình. Việc thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sinh nhiều con đã tạo áp lực về kinh tế và nhiều hệ lụy khác, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để thay đổi nhận thức của bà con, huyện Long Phú đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng đối tượng. Trong đó, tập trung đến các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, khu vực kinh tế còn khó khăn. Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số ấp, khu dân cư đã tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ; tuyên truyền về bình đẳng giới, không phân biệt con trai, con gái trong gia đình, họ tộc; đưa việc không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước của địa phương.

              Xã Long Phú có đến hơn 78% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm trước đây, Long Phú là một trong những xã có tỷ lệ mất cân bằng giới tính và sinh con thứ 3 cao. Để giảm đến mức thấp nhất tình trạng này. Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phối hợp với địa phương, cán bộ dân số xã tích cực vận động bà con thay đổi suy nghĩ; triển khai tuyên truyền các phương tiện tránh thai, nhờ vậy mà công dân số - KHHGĐ ở xã đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ sinh con thứ 3 hàng năm đều giảm. Tính riêng trong năm 2019, toàn xã có gần 100 trẻ được sinh ra, trong đó số trẻ là con thứ 3, chỉ một vào trường hợp. Đến năm 2020, toàn xã có 69 trẻ em được sinh ra, trong đó không có trẻ em nào là con thứ 3. Trên 98% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai. Ông Triệu Rết - Trưởng trạm Y tế xã Long Phú cho biết: “Những năm trở lại đây, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer về dân số - KHHGĐ ngày một nâng cao. Quy mô gia đình có hai con ngày càng phổ biến, các bà mẹ mang thai thực hiện khám, siêu âm định kỳ theo lịch, chấp hành tốt chương trình tiêm chủng mở rộng và chống suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi”.

Tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ.

              Có được những kết quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhằm triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó có việc tranh thủ, phát huy nguồn lực của các đề án về nâng cao chất lượng dân số như: Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chiến dịch tăng cường vận động, lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ; đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, can thiệp giảm thiểu sớm tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, tăng cường tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân…, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số ở những xã khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39-NĐ/CP của Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Long Phú cho biết: “Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện công tác nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tỷ suất sinh những năm qua tuy có giảm nhưng chưa vững chắc, một số địa phương có dấu hiệu tăng trở lại; tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đang có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tuy đã có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, số trẻ sơ sinh và trẻ bị dị tật, khuyết tật bẩm sinh đang ở ngưỡng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi, chất lượng dân số”. Để nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc Khmer, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, các Trạm Y tế các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nâng cao nhận thức của bà con về Luật Hôn nhân và Gia đình, nâng cao dân trí cho đồng bào, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường và tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của Bí thư -Trưởng ban nhân dân ấp, người có uy tín tiêu biểu trong các cuộc vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm lạc hậu. Tích cực triển khai các hoạt động của đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, đề án sàn lọc trước sinh và sơ sinh.

Sóc Ca



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86032673

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.