31/07/2019
Ban Dân tộc tỉnh: Kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện Long Phú
Chiều ngày 30/7, đoàn công tác Ban Dân tộc tỉnh do bà Thạch Thị Kế Rin – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2018 - 2019 và một số chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Long Phú giai đoạn 2016 - 2019.
Toàn huyện có 05 xã thuộc khu vực II là thị trấn Long Phú, thị trấn Đại Ngãi, xã Tân hưng, xã Tân Thạnh và xã Trường Khánh. 03 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III là xã Long Phú, xã Phú Hữu và xã Hậu Thạnh, với 12 ấp đặc biệt khó khăn. Kết quả thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện Long Phú năm 2018, đối với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế có nguồn vốn giao là 1 tỷ 173 triệu đồng, đầu tư hỗ trợ 8 dự án với 107 hộ tham gia; các mô hình hỗ trợ là chăn nuôi bò sinh sản, dê sinh sản. Vốn hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo là 300 triệu đồng; tất cả đã giải ngân 100% tổng nguồn vốn. Riêng năm 2019, dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được hỗ trợ với kinh phí gần 1 tỷ 368 triệu đồng, trong đó vốn dự án hơn 1 tỷ 88 triệu đồng. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại xã đặc biệt khó khăn 280 triệu đồng, cùng với nhiều dự án khác, hiện nay đang triển khai thực hiện giải ngân.
Bên cạnh các nguồn hỗ trợ sản xuất, năm 2018, huyện cũng đã triển khai tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng nguồn vốn thực hiện 5 tỷ 612 triệu đồng, triển khai thực hiện đầu tư 08 công trình, đến nay đã giải ngân đạt 99% kế hoạch. Năm 2019, kinh phí được phê duyệt chương trình đầu tư công trình xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí 5 tỷ 922 triệu đồng. Ngoài ra còn các nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng khác, kinh phí thực hiện hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2019 trên địa bàn huyện Long Phú, việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã thực sự đi vào cuộc sống. Công tác tổ chức thực hiện các dự án, chính sách, việc thực hiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư đã tạo điều kiện cho huyện chủ động thực hiện lồng ghép điều chuyển nguồn vốn và triển khai nhiệm vụ kế hoạch hàng năm. Công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn đi vào nề nếp, thực hiện theo quy định, đúng mục tiêu và đối tượng thụ hưởng của chương trình đặt ra; hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp; nhờ đó, góp phần tăng thu nhập hộ gia đình. Tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm hàng năm; 100% người dân tộc thiểu số có bảo hiểm y tế; 98% số hộ Khmer có điện sử dụng; kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở xã, ấp đặc biệt khó khăn.
Đoàn đã biểu dương những kết quả mà các ngành, các cấp đã đạt được trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2019. Qua 3 năm triển khai thực hiện chương trình đã giúp cho người dân cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, qua đó cho thấy ý thức tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc. Đoàn đề nghị trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục tập trung vốn, nguồn lực, cụ thể hóa các chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện sao cho có hiệu quả nhất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các công trình, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.