Sóc Trăng đã chủ động, vận dụng sáng tạo và thực hiện tốt công tác dân tộc
      Đó là nhận định của đồng chí Bùi Tuấn Quang - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương làm trưởng đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Sóc Trăng vào chiều ngày 09/4. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Phan Văn Sáu - Bí thư Tỉnh ủy, Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở ngành tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội. 

      Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng có nhiều chuyển biến tích cực. Qua triển khai thực hiện các chương trình, dự án và chính sách dân tộc đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

      Cấp uỷ, chính quyền luôn quan tâm đầu tư về điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học, trang thiết bị y tế… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; khối đoàn kết gắn bó 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa tiếp tục được củng cố, tăng cường; công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ là người Khmer được các cấp uỷ quan tâm chỉ đạo. Hầu hết những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer đều bố trí cán bộ dân tộc giữ chức vụ chủ chốt trong cấp uỷ và chính quyền. Hệ thống chính trị được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.

      Mặt trận Tổ quốc chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc, đặc biệt là triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội cho người dân tộc. Qua đó, đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân đầu tư, phát triển sản xuất, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc tiếp tục ổn định, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

      Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 15 năm thực hiện nghị quyết còn những mặt hạn chế, khó khăn nhất định. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc còn yếu kém; công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững; việc phân hoá giàu nghèo trong cộng đồng dân cư và trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng lúc vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật còn chậm. Công tác triển khai các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tuy có tiến bộ, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn chậm; nguồn vốn thực hiện các chính sách còn dàn trải, hiệu quả thấp. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chính sách chưa được thường xuyên. Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ người dân tộc tuy có nâng lên so với trước nhưng chưa đồng đều. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp. Hoạt động của các cơ quan chuyên trách làm công tác dân tộc còn hạn chế; tổ chức đoàn thể một số địa phương, cơ sở hoạt động còn hình thức.


Quang cảnh buổi làm việc với đoàn kiểm tra. Ảnh: Q.K

      Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn kiểm tra đã trao đổi với tỉnh về kết quả phát triển kinh tế - xã hội xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc; nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khoẻ, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào các dân tộc; xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; giữ vững an ninh, quốc phòng ở vùng dân tộc...

      Tỉnh cũng đề nghị với Trung ương, sắp tới, các chính sách dân tộc phải mang tính tích hợp, phải đảm bảo nguồn lực để thực hiện chính sách, phù hợp với thực tiễn, nên phân cấp cho địa phương để thực hiện theo đặc điểm, tập quán của đồng bào dân tộc. 

      Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Bùi Tuấn Quang nhận định: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Sóc Trăng đã chủ động, vận dụng sáng tạo và thực hiện tốt công tác dân tộc, các chính sách dân tộc. Tạo sự chuyển biến tốt về nhận thức trong thực hiện nghị quyết, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng có nhiều khởi sắc.

      Từ kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện nghị quyết cho thấy, Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc ra đời rất kịp thời, phù hợp, hợp lòng dân và đã đi vào thực tiễn cuộc sống; tiếp tục củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

      Đồng chí Bùi Tuấn Quang đề nghị tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân tộc; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc; tiếp tục thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, phối hợp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách về văn hóa - y tế - giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc. 
Quốc Kiên

1 2 3 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86064032

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.