Đưa Quy chế dân chủ đi vào cuộc sống
      Trong năm 2018, các xã, phường, thị trấn tiếp tục cụ thể hóa nội dung công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở vào nghị quyết, kế hoạch công tác của cấp ủy, chính quyền. Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện công vụ, nhất là vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia trực tiếp vào nhiều việc theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân chủ có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ”, “Việc gì có lợi cho dân hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

      Một trong những nội dung được đánh giá cao trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở là việc công khai 11 nội dung theo Pháp lệnh 34. Nội dung công khai được tập trung vào những lĩnh vực Nhân dân quan tâm như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vay vốn phát triển sản xuất, thứ tự ưu tiên các công trình xây dựng cơ bản, việc giải tỏa, đền bù, các chủ trương, chính sách thực hiện an sinh xã hội, các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và các khoản, mức thu các loại quỹ, phí, lệ phí... Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đảm bảo theo quy định và kịp thời, chủ yếu là các hồ sơ chứng thực, lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp, hộ tịch,... Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy phần lớn được người dân hài lòng, đánh giá cao việc công khai, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tốt hơn so với những năm trước đây.

      Về nội dung Nhân dân bàn và quyết định, ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với MTTQ và các đoàn thể hướng dẫn và phân công thành viên trực tiếp xuống các ấp, khóm, khu dân cư đưa ra dân bàn bạc và biểu quyết, chủ yếu là các phần việc trong xây dựng nông thôn mới, công tác an sinh xã hội tại địa bàn dân cư, thành lập các mô hình, bình xét hộ nghèo, xét cấp nhà tình thương, tình nghĩa, vay vốn sản xuất, xét công nhận gia đình văn hóa,... 

      Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định được thực hiện lồng ghép thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, họp khu dân cư, họp các chi, tổ hội, đoàn thể... Tuy nhiên, nội dung này mang lại hiệu quả chưa cao vì một số nơi chưa quan tâm thực hiện, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, người dân cũng không nhiệt tình tham gia nếu không có liên quan đến quyền lợi trực tiếp.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với Nhân dân về việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của địa phương

      Điều đáng ghi nhận trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2018 là Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn đã củng cố, kiện toàn 109 ban thanh tra nhân dân và 96 ban giám sát đầu tư cộng đồng. Theo đó, ban thanh tra nhân dân đã giám sát, giải quyết 223 vụ việc, ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc thực hiện 111 công trình, phát hiện 7 công trình có dấu hiệu sai phạm và nhắc nhở đơn vị thi công khắc phục, sửa chữa. Tuy hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng mang lại chưa như mong đợi do nhiều yếu tố nhưng cũng có sự quyết tâm vào cuộc để góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực, lãng phí.

      Cũng trong năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh cũng tổ chức kiểm tra việc thực hiện tại xã An Hiệp (Châu Thành), xã Long Đức (Long Phú), xã Đại Ân 2 (Trần Đề), xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên), xã An Thạnh Nhất (Cù Lao Dung), xã Lạc Hòa (Vĩnh Châu). Qua kiểm tra cho thấy quy chế được cụ thể hóa vào nhiệm vụ thường xuyên và gắn với công tác tự phê bình, phê bình, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,… Nhờ phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân đã góp phần tạo sự đồng thuận chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua tuyên truyền, vận động, người dân hiểu được ý nghĩa, lợi ích mà chương trình đem lại và tự giác thực hiện, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng còn tồn tại một số hạn chế mà cốt lõi là tính hình thức, người dân chưa thực sự quan tâm nhiều tới nội dung Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp, chưa hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.


      Theo đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh, thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để khắc phục tình trạng thực hiện hình thức, qua loa nhằm phát huy được vai trò, ý nghĩa của Quy chế dân chủ cơ sở trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, hướng đến mục tiêu dân chủ hiện nay là tạo được lòng tin của người dân, gần dân, hiểu dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.
Ngọc Diễm

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86022928

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.