Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Triển khai công tác kiểm sát năm 2021
Thực hiện phương châm của ngành “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, năm 2020, Viện Kiểm sát hai cấp tỉnh đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, các chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, qua đó, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, năm 2020, Viện Kiểm sát hai cấp đã thụ lý kiểm sát 1.299 tin báo; kiểm sát điều tra 836 vụ/943 bị can; kiểm sát việc giải quyết 529 vụ/744 bị can; kiểm sát xét xử sơ thẩm 538 vụ/784 bị cáo; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam 1.155 người. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát hai cấp thụ lý kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình theo thủ tục sơ thẩm 7.237 vụ, việc; phúc thẩm 249 vụ. Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính 15.864 việc/hơn 1.739 tỉ đồng… Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp còn chủ động phối hợp với các cơ quan nội chính cùng cấp, tham mưu cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo vệ bình yên cuộc sống của người dân…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trao Bằng khen của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ảnh: H.LAN
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đạt được trong năm 2020. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trong năm 2021 cần tập trung nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp, trọng tâm là Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định công tác cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành, của Quốc hội. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; thực hiện đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp như tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, các cơ quan bổ trợ tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Chú trọng xây dựng đội ngũ đội ngũ kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có năng lực chuyên sâu, công tâm, bản lĩnh và có trách nhiệm..., góp phần “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” như lời Bác Hồ đã dạy.
Dịp này, 5 tập thể và 3 cá nhân có thành tích tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khen thưởng.
H.LAN