03/06/2022
Lãnh đạo UBND tỉnh nghe báo cáo quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng
Sáng ngày 02/6, tại UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, lãnh đạo huyện Trần Đề đã có cuộc họp để nghe đơn vị tư vấn báo cáo tình hình nghiên cứu, đề xuất lập Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng bao gồm các khu bến cảng Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề và các công trình phục vụ quản lý nhà nước; vùng nước cho các công trình hạ tầng hàng hải công cộng (như luồng tàu, vùng đón trả hoa tiêu, khu tránh trú bão,…), các bến phao, khu neo đậu chuyển tải. Tổng diện tích quy hoạch cảng biển Sóc Trăng khoảng 108.000 ha. Trong đó, quy hoạch bến cảng Trần Đề là 4.000 ha phía bờ và 790 ha tại khu bến ngoài khơi. Dự báo đội tàu phía ngoài khơi cửa Trần Đề tiếp nhận tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT. Phía trong sông cho tàu biển, SB 2.000 DWT; sà lan, phương tiện thủy nội địa 5.000 - 10.000 tấn hoặc lớn hơn. Sơ bộ kinh phí đầu tư bến cảng Trần Đề cho giai đoạn khởi động khoảng 30 ngàn 831 tỷ đồng.
Ảnh: Quang cảnh cuộc họp
Sau khi nghe 2 đơn vị tư vấn báo cáo về quy hoạch và báo cáo tiền khả thi quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng và ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu đề nghị 2 đơn vị tư vấn tiếp tục trao đổi, thống nhất một số chi tiết trong quy hoạch và hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển trong tháng 6 để tỉnh tích hợp vào quy hoạch chung của địa phương vào cuối tháng 6 năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị tư vấn về chi phí xây dựng cầu cảng; khảo sát, đánh giá cụ thể trữ lượng các mỏ cát; đề xuất quy hoạch mở khu bến cảng ngoài khơi…. Các đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu thật kỹ, đánh giá chính xác nguồn hàng của từng giai đoạn nhằm phát huy cảng Trần Đề. Cần nghiên cứu thêm các khu bến trong sông, để có thể tận dụng tối đa lợi thế giao thông đường thủy. Nghiên cứu thêm lộ trình xây dựng cảng Trần Đề, phấn đấu đến cuối năm 2026 cảng phải cơ bản đưa vào vận hành, nhằm đảm bảo sự đồng bộ, khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi kết nối với cảng Trần Đề.
H. LAN