Là địa bàn nằm trong vùng hệ thống thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt, sau Trần Đề, Long Phú được đánh giá là địa phương thường xuyên phải đối mặt với những thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp khi tình trạng thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất xảy ra cục bộ vào mỗi mùa hạn, mặn. Sau kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn vừa qua, khẩn trương xuống giống sớm vụ lúa Đông Xuân ngay sau khi đã thu hoạch dứt điểm vụ Hè Thu để tránh hạn, né mặn là bài học đắt giá được nhiều nông dân đồng tình. Tính đến nay, tiến độ xuống giống vụ Đông Xuân ở Long Phú là 13.500 ha, đạt khoảng 80% kế hoạch. Trà lúa chủ yếu đang trong giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh, dự kiến sẽ được thu hoạch vào trước Tết Nguyên đán năm nay. Ông Cà Sal nông dân ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cho biết: “Ruộng của tôi hôm nay là được 35 ngày rồi, bà con ở đây ai cũng thu hoạch tới đâu là xuống giống đến đó vì sợ nước mặn vô sớm. Sạ đồng loạt như vậy khi thu hoạch cũng dễ dàng hơn”.
Mặc dù ít bị ảnh hưởng hơn so với các khu vực lân cận, nhưng tiến độ gieo sạ lúa Đông Xuân cũng đang diễn ra khẩn trương trên nhiều cánh đồng ở huyện Mỹ Xuyên. Lượng mưa vừa đủ trong những tuần qua đã đảm bảo được nguồn nước phục vụ cho công tác làm đất nên quá trình gieo sạ nhìn chung diễn ra thuận lợi, nhiều bà con còn chủ động chuyển đổi cơ cấu giống, lựa chọn canh tác những giống có khả năng chống chịu mặn tốt để tăng năng suất, cải thiện lợi nhuận. Công tác thủy lợi nội đồng cũng là vấn đề được ngành Nông nghiệp địa phương quan tâm. Ông Trần Quốc Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên thông tin: “Vì Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm nên chúng tôi khuyến cáo bà con có điều kiện thuận lợi nên ưu tiên canh tác những giống lúa thơm, lúa đặc sản. Theo khung lịch chung thì chúng tôi thống nhất đến trung tuần tháng 11 dương lịch sẽ xuống giống dứt điểm vụ Đông Xuân năm nay. Chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra, nạo vét các kênh mương nội đồng để đảm bảo lượng nước phục vụ tưới tiêu trong quá trình canh tác. Hiện bà con tại huyện đã xuống giống được 3.000 ha so với kế hoạch của huyện là 8.000 ha”.
Tuân thủ khung lịch thời vụ để tránh ảnh hưởng từ diễn biến cực đoan của thời tiết được sự đồng tình cao của phần lớn nông dân trong tỉnh. Tuy nhiên, sau khi kết thúc vụ lúa Hè Thu, phần lớn rơm rạ trên đồng chưa phân hủy hoàn toàn nên mặt ruộng cần được cung cấp một lượng phân bón đáng kể, với liều lượng cao hơn từ 15 đến 20% so với những vụ lúa khác trong năm, trong khi giá phân bón vẫn đang ở mức tăng cao kỷ lục đang là nỗi lo chung của nhiều bà con. Cụ thể giá hàng loạt phân bón như: Ure, Kali, NPK, DAP đang tăng mạnh từ 10 đến 16 nghìn đồng mỗi kg. Nông dân Dương Thanh Tùng ở ấp 4, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú cho biết thêm: “Trong vụ Hè Thu, lượng phân bón mình xài là khoảng 35kg/1 công thì đối với vụ Đông Xuân phải từ 45 - 50kg trở lên. Với giá phân bón như thế này và công lao động hằng ngày như dặm, phun xịt thì bà con rất e ngại trong việc đầu tư cho cây lúa, thêm vào đó là dịch bệnh chưa định hình được là bao giờ mới kết thúc. Bà con e ngại cứ như thế này sẽ tiếp tục một vụ thua lỗ khi giá giá lúa không thấy cải thiện mà giá vật tư thì không ngừng tăng”.
Nông dân xuống giống vụ lúa Đông Xuân
Theo khung lịch thời vụ được ngành Nông nghiệp khuyến cáo, vụ lúa Đông Xuân năm 2021 tại Sóc Trăng sẽ được chia làm 3 đợt xuống giống: Đợt 1 từ cuối tháng 9 đến 15/10, đợt 2 từ 16/10 đến 15/12, đợt 3 gieo sạ dứt điểm trước ngày 10/1/2022. Hiện toàn tỉnh đã xuống giống được trên 60.000 ha trong tổng diện tích 170.000 ha theo kế hoạch. Ngành cũng đặc biệt lưu ý các địa phương thuộc vùng ven biển, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn cần xuống giống dứt điểm trước tháng 10 để có thể tiến hành thu hoạch vào trước Tết Nguyên đán - giai đoạn an toàn trước khi bước vào cao điểm mùa khô. Riêng những vùng ít bị ảnh hưởng như: Mỹ Tú, Ngã Năm, một phần Thạnh Trị... cần bố trí thời điểm xuống giống phù hợp để có thể thu hoạch sau Tết Nguyên đán tối thiểu từ 10 đến 15 ngày. Đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Bà con nên tuân thủ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, áp dụng kĩ thuật canh tác theo 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, đặc biệt gia tăng việc sử dụng lượng phân hữu cơ để tăng hiệu quả sử dụng đất. Đối với một số tỉnh khác hiện đã ghi nhận tình trạng rầy nâu khá cao, đối với hiện tượng rầy nâu bà con cần lưu ý hạn chế sử dụng thuốc hóa học, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học để giảm mật số ngay từ ban đầu, tránh lây lan diện rộng. Riêng những vùng xuống giống vụ Đông Xuân sớm cần cắt giảm lượng phân bón đón đồng trong điều kiện thời tiết như hiện nay để đạt hiệu quả canh tác cao nhất”.
Sau thời gian dài liên tục giảm, giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng từ 100 đến 300 đồng/1kg. Nhiều địa phương trên cả nước cũng đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, giúp việc giao thương, vận chuyển diễn ra thuận lợi hơn. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới bắt đầu tăng trở lại từ cuối tháng 9... là những tín hiệu lạc quan để giá lúa dự báo nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong vài tuần tới. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần quan tâm hơn nữa các biện pháp canh tác, quản lí tốt tình trạng sâu bệnh gây hại để có thể bảo vệ năng suất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa việc lạm dụng phân hóa học nhằm đảm bảo chất lượng hạt lúa, đáp ứng tốt điều kiện xuất khẩu. Để không chỉ ở vụ Đông Xuân mà bất kỳ vụ lúa nào trong năm, người nông dân Sóc Trăng vẫn có thể bắt kịp đà tăng trưởng chung của thị trường xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế.
Ngọc Thơ