Sóc Trăng: Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2020
       Nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, trong đó tập trung ưu tiên người nghèo, nhất là người nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo thuộc các ấp, xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển và hải đảo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo thuận lợi tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo kế hoạch đã đề ra. UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2020.

       Mục tiêu cụ thể:

      Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% - 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer từ 3% - 4%/năm.

      Đào tạo nghề cho 13.000 lao động; giải quyết việc làm 26.000 lao động; trong đó, xuất khẩu lao động 300 người, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn dưới 3% vao cuối nam 2020.

       Trong năm, có 100% cán bộ làm công tác lao động - việc làm và giảm nghèo các cấp được tham gia tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.

       Phấn đấu đến cuối năm 2020: Tỷ lệ hộ nghèo ở nhà tạm dưới 40%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 59%; trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt trên 54%; 100% người thuộc hộ nghèo và 100% người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; 80% hộ nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và hố xí hợp vệ sinh; Có 90% số hộ nghèo tiếp cận dịch vụ viễn thông và 90% hộ nghèo có tài sản phục vụ tiếp cận viễn thông; Có trên 90% xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo được đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo quy định.

       Kế hoạch đề ra 02 nội dung chính cần thực hiện:

       Thứ nhất, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. 

      Theo đó, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các ấp, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số: Tập trung phát huy mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các ấp, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển. Tranh thủ từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ và các dự án tài trợ, phấn đấu đến cuối năm các xã đặc biệt khó khăn hoàn thành xây dựng các công trình thiết yếu như: hệ thống thủy lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, điện sinh hoạt, nước sạch và chợ nông thôn...

       Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo: Huy động và tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; tổ chức bình chọn đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất.

       Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến tiêu thụ sản phẩm.

      Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Ưu tiên, tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ về thủ tục, vốn vay, ... để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (khi có nhu cầu), góp phần giải quyết việc làm với thu nhập cao, ổn định và giảm nghèo bền vững.

      Truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân…

      Cùng với đó, nâng cao năng lực và giám sát đánh giá: Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, ưu tiên nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

      Thứ hai, thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo

      Về hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo: Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ y tế cơ bản.

       Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình ở địa phương, tăng cường công tác quản lý cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cận nghèo.

       Về hỗ trợ con em hộ nghèo trong giáo dục - đào tạo: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để trẻ em nói chung và trẻ em thuộc con hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số nghèo nói riêng có điêu kiện học tập thuận lợi. Ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở giáo dục ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn, các trường phổ thông dân tộc nội trú theo hướng đạt chuẩn quốc gia hoặc theo tiêu chí nông thôn mới.

      Tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

      Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo: Tổ chức rà soát thống kê, lập danh sách số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo chuẩn để tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở khi có phê duyệt của Chính phủ.

       Về hỗ trợ tín dụng ưu đãi hộ nghèo: Phát huy, nhân rộng mô hình nhóm tiết kiệm để người dân, trong đó có người nghèo tiếp cận được nguồn vốn để phát triển sản xuất và chăn nuôi từ đó phát triển kinh tế gia đình. Đổi mới quy trình, thủ tục đơn giản tạo điều kiện cho người dân nghèo tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển, cần ưu tiên chú trọng cho những hộ chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Tránh đầu tư dàn trải, nguồn vốn đầu tư phát vay trực tiếp cho hộ nghèo để phát triển sản xuất kinh doanh.

D.Hoàng

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85198824

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.