Đồng quản lý - “Lá chắn xanh” bền vững cho rừng ngập mặn vùng ven biển
      Trong những năm gần đây, trước tác động của biến đổi khí hậu, nhiều tuyến đê biển của tỉnh Sóc Trăng đã bị ảnh hưởng nặng nề, tác động rất lớn đến đời sống và sinh kế của cư dân vùng ven biển. Để giảm thiểu sức tác động của biến đổi khí hậu, bên cạnh việc thực hiện các công trình duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê biển, tỉnh Sóc Trăng cũng đã chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang đê biển thông qua việc trồng cây gây rừng, đặc biệt là mô hình "đồng quản lý" đã và đang phát huy hiệu quả.

      Để có được những cánh rừng phủ xanh, chắn sóng thì sự hài hòa giữa hai yếu tố: Phát triển rừng nhưng phải đảm bảo sinh kế của người dân. Đây được xem là hai yếu tố then chốt mang đến sự thành công của mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển. Đồng quản lý - một mô hình vốn được thí điểm ban đầu chỉ để nhằm hạn chế sự phá rừng từ chính người dân có sinh kế gắn liền với biển, thì qua nhiều năm thử thách, hoài nghi đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc đảm bảo sự hài hòa giữa sinh kế người dân vùng ven biển và việc phát triển rừng. Mô hình này hiện đã và đang được nhân rộng ngày càng nhiều tại các địa phương ven biển của tỉnh Sóc Trăng.

      Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển được thí điểm triển khai ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu từ năm 2007 và chính thức ký kết đi vào hoạt động tháng 9/2009, do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ. Mục đích của mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển là tạo một khung chính sách mới về đồng quản lý rừng, thủy sản; tạo cơ chế thu hút sự tham gia của cộng đồng, của các hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng ven rừng; đồng thời chia sẻ những lợi ích hợp pháp tương xứng với sự đóng góp của các bên và không làm ảnh hưởng đến chức năng của rừng.

      Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, qua 2 giai đoạn thực hiện, mô hình "đồng quản lý" đã trồng mới và chăm sóc trên 1.500 ha rừng phòng hộ. Đây được xem là thành công của tỉnh Sóc Trăng trong việc thích ứng, giảm thiểu sức tác động của quá trình biến đổi khí hậu, đảm bảo sinh kế cho người dân tại các địa phương vùng ven biển.

      Ông Thạch Soal - Nhóm trưởng đồng quản lý ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: Trước đây, người dân vào rừng ngập mặn ven biển khai thác thủy hải sản thường không có ý thức bảo vệ rừng, thậm chí là trong quá trình đánh bắt còn chặt phá rừng, làm cho rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Vì không có các đai rừng ngập mặn ven biển bảo vệ nên đất đai thường xuyên bị sóng biển tàn phá, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của cư dân trong vùng.

Các thành viên của mô hình “Đồng quản lý” Âu Thọ B trong khu rừng ngập mặn do mình quản lý

      Đến khi tham gia vào đồng quản lý, ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt. Người dân đã ý thức được việc phải bảo vệ rừng ngập mặn, coi rừng như là “nguồn sống”, cũng là “người bạn” thân thiết của mình. Từ việc nhận thức được tầm quan trọng của rừng, người dân có chuyển biến rất tốt về hành vi cùng nhau phối hợp bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên rừng, không chặt phá rừng, tự giác cao trong việc trồng thêm cây rừng, vừa tạo ra đai rừng chắn sóng, chắn gió, vừa tạo môi trường bảo vệ cho các loại thủy sinh sống dưới tán rừng và có thể nuôi trồng các loài thủy hải sản dưới tán rừng, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong các tổ đồng quản lý.

      Theo ông Trần Trọng Khiêm - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, qua mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển đã cho thấy nhận thức của người dân tại khu vực có sự nâng lên rõ rệt. Cư dân đã nhận thấy được sự quan trọng của rừng ngập mặn ven biển trong việc bảo vệ đời sống, sản xuất. Trước đây, trong công tác bảo vệ rừng, chúng ta có quan điểm chưa đúng rằng, lực lượng bảo vệ rừng là phải thực thi pháp luật và xử lý thật nặng những hành vi phá rừng, tuy nhiên, điều này không hề làm giảm được vấn nạn phá rừng từ cư dân địa phương. Đến khi chúng ta thực hiện mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển thì người dân thấy được lợi ích của gia đình, cộng đồng phải gắn liền với sự bảo vệ và phát triển rừng, các hộ dân đã tự nguyện và chung tay cùng lực lượng chức năng gìn giữ và phát triển rừng.

      Thông qua các chương trình, nguồn vốn về ứng phó biến đổi khí hậu, nhiều diện tích rừng ngập mặn vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng đã được trồng và phát triển là rất lớn. Sóc Trăng cũng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong công tác trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu. Với sự hợp tác tốt của tổ chức GIZ, sự quản lý của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể và nhất là sự cam kết tự nguyện của cộng đồng, các bên cùng nâng cao trách nhiệm trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển được bền vững, những cánh rừng phòng hộ ven biển, cứ thế vươn dần ra, chắn sóng, cản gió và bảo vệ cuộc sống người dân vùng ven biển.

      Từ mô hình thí điểm thành công ban đầu tại ấp Âu Thọ B của xã Vĩnh Hải, mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển đã được nhân rộng ra các huyện ven biển khác của Sóc Trăng như: Trần Đề, Cù Lao Dung với 13 tổ, thu hút hàng trăm hộ dân tham gia phát triển và bảo vệ rừng.

Chanh Đa

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 85277465

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.