Lượt xem: 6587
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer tỉnh Sóc Trăng - Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
 Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014 công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian: "Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer Sóc Trăng". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tiến hành thực hiện công tác bảo tồn, phát giá trị loại hình nghệ thuật này. Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm về chủ đề: "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
 
 

         Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer tỉnh Sóc Trăng thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Khmer Nam Bộ gọi với tên khác là: sân khấu Giàn Bầu - Lo khôn Trơn Khlốk và người Camphuchia gọi là sân khấu xứ Ba Sắc - Lo khôn Ba sắc.

         Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Huỳnh Ngọc Trảng, nghệ thuật Sân khấu Dù Kê ra đời khoảng thập niên 20 - 30 của thế kỉ XX. Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer sau vụ mùa sản xuất, lao động vất vả. Do những nghệ nhân, diễn viên nghệ thuật Dù Kê tập luyện và biểu diễn trong môi trường thiên nhiên, lấy mặt đất làm sân khấu, lấy lá cây, nhánh cây che tạm, dựng liều trại, phong cảnh như cái giàn bầu nên người dân gọi là “sân khấu giàn bầu” (Lo - khôn Trơn Khlốk).

         Theo tài liệu nghiên cứu của các học giả Khmer, năm 1921 ông Lý Cuôn, tên thường dùng là Kọn, sinh năm 1886, ấp Phú Ninh, xã An Ninh, quận Thuận Hòa, tỉnh Sóc Trăng, là người Khmer lai Triều Châu, sinh ra trong một gia đình giàu có, là người thông minh có học thức cao giỏi tiếng Pháp nên được người Pháp sử dụng làm thư ký văn phòng cho xã An Ninh nên người dân quen gọi là ông xã Kọn (theo tiếng Khmer là “Chhà Kọn”). Do đam mê, muốn có một gánh hát để phục vụ bà con dân tộc mình, nên ông tập hợp anh em, bạn bè, bà con thân thuộc trong phum, sóc lập nên gánh hát riêng và rước thầy Sua (Kru Sua) ở Trà Vinh về tập tuồng. Đoàn Dù Kê của ông Chhà Kọn ra đời với cái tên “Tự Lập Ban” và kể từ đó sân khấu có trang trí sơn thủy (phong cảnh) thay thế sân khấu giàn bầu. Năm 1927, lần đầu tiên ông Chhà Kọn đưa đoàn Dù Kê “Tự Lập Ban” sang biểu diễn tại Camphuchia và gây được tiếng vang lớn ở đất nước Chùa Tháp, người dân ở nơi đây thật sự khâm phục và yêu chuộng loại hình nghệ thuật sâu khấu có sức lôi cuốn và hấp dẫn, Đoàn Dù Kê của ông ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây và họ đã đặt tên gọi cho Đoàn là: Lo Khôn Ba Sắc - Sân khấu của những người xứ Ba Sắc. Điều này chứng minh địa điểm khai sinh ra sân khấu Dù Kê không ở đâu khác ngoài vùng đất Sóc Trăng. Ông Chhà Kọn có công lớn trong việc hình thành sân khấu ca kịch dân tộc Khmer ra đời, trưởng thành và phát triển thành nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ chính là ông Lý Cuôn.

         Từ năm 1930, sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ không ngừng bổ sung những yếu tố mới để ngày càng hoàn thiện mình, sân khấu Dù Kê đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer Nam Bộ và kể cả người dân Campuchia. Năm 1933, ông Chhà Kọn cho thành lập thêm Đoàn Dù Kê “Tự Lập Thành” và giao cho em rể của mình là ông Thại (Tà Thại) làm bầu gánh với quy mô không thua kém Đoàn Dù Kê “Tự Lập Ban” và đi lưu diễn khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long và kể cả Campuchia. Năm 1934, ở Vũng Thơm (hiện nay thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) xuất hiện thêm một Đoàn Dù Kê “Tổ Lập Thành” do ông Chhà Tỷ làm bầu gánh. Từ năm 1936 đến năm 1942 là giai đoạn đỉnh cao phát triển cường thịnh của nghệ thuật sân khấu Dù Kê, người dân Khmer Nam Bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng, ai cũng có thể tự hào về những gì mình đã làm để góp phần tạo nên sự thành công cho sân khấu Dù Kê của dân tộc mình và người dân Campuchia đều biết đến loại hình nghệ thuật này với tên gọi thân thương “Lo Khôn Ba Sắc”. Sau năm 1940, ở Sóc Trăng còn xuất hiện thêm hai Đoàn Dù kê mới, lưu diễn chủ yếu ở Bến Tre và ở Bạc Liêu với tên gọi “Võ Lập Thành” do ông Bu (Tà Bu) là người Triều Châu ở Cà Săng (nay thuộc phường 2, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) làm bầu gánh; Đoàn “Hoa Nở” do ông Binh (Tà Binh) người ở Prey Chóp (nay thuộc xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) làm bầu gánh. Thời gian này sân khấu Dù Kê Khmer Nam Kộ vẫn tiếp tục khởi sắc, phong cách biểu diễn với những bước tiến nhảy vọt, nhiều yếu tố nghệ thuật mới ra đời. Đây chính là giai đoạn phát triển tự hoàn thiện của các Đoàn Dù Kê nhưng cũng chính giai đoạn này đã xuất hiện những mâu thuẫn nội tại trong 03 Đoàn Dù Kê hàng đầu ở Sóc Trăng, báo hiệu thời kỳ khủng hoảng sắp bắt đầu và cả 03 đoàn này dần dần yếu đi rồi dẫn đến tan rã. Đến năm 1946, Đoàn Dù Kê “Tự Lập Ban” được tái sinh, bên cạnh đó vào năm 1949 còn xuất hiện gánh hát Dù Kê “Ánh Sáng” ở Trà Tim, Sóc Trăng (nay là xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Từ năm 1953, sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ sau cuộc khủng hoảng trầm trọng lại được phục hồi, tái sinh và có những bước phát triển mới mang tính đồng bộ, Dù Kê đã nhanh chóng thu hút khán giả cả người Kinh, người Hoa, phạm vi lưu diễn ngày càng mở rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn và một số tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Campuchia.

         Từ năm 1972, sau những biến cố thăng trầm của lịch sử, Đoàn Dù Kê “Tự Lập Ban” và một số Đoàn Dù Kê khác một lần nữa tan rã và vĩnh viễn xoá tên khỏi bàn đồ nghệ thuật sân khấu truyền thống Khmer Nam Bộ. Sau 30/4/1975, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nghệ thuật sân khấu truyền thống của người Khmer trong đó có sân khấu Dù Kê được khôi phục, hầu hết các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long đều có Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cấp tỉnh. Những năm 1980 trở đi ở Sóc Trăng có một số Đoàn Dù Kê tư nhân được thành lập như: Đoàn Dù Kê Ánh Bình Minh, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên; Đoàn Dù Kê Ron Ron, xã Phú Tân, huyện Châu Thành; Đoàn Dù Kê Bờ Đập sau này có tên gọi là Đoàn Dù Kê Tân Nguyệt Quang, xã Viên An, huyện Trần Đề…

         Từ khi ra đời, hình thành và phát triển, sân khấu Dù Kê đã trải qua những bước thăng trầm, vượt qua những cam go thử thách để tồn tại cho đến ngày nay. Nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ nói chung trong đó có Sóc Trăng tuy có giảm về số lượng nhưng chất lượng nghệ thuật luôn được quan tâm cải tiến để nâng cao trình độ nghệ thuật trên các mặt: biên kịch, đạo diễn dàn dựng, thiết kế cảnh trí sân khấu, phục trang, âm nhạc, nghệ nhân, diễn viên,… Sân khấu Dù Kê dù tiếp nhận nhiều yếu tố nghệ thuật khác, song vẫn giữ được bản sắc dân tộc độc đáo của riêng mình, có khả năng hòa nhập cao. Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, phạm vi hoạt động và số lượng khán giả xem sân khấu Dù Kê ngày càng bị thu hẹp dần. Ngoài khán giả lớn tuổi, lớp trẻ, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên, ít quan tâm đến nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình.

         Mặt khác, cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác, sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật ngày càng cũ và lạc hậu, đội ngũ tác giả, các thầy tuồng cũng ngày một giảm dần, hụt hẫng do lớp trước đây đã già đi. Công tác đào tạo, truyền dạy theo bài bản chưa thật sự được chú trọng, lớp nghệ nhân, diễn viên kế thừa dần dần yếu đi do chính sách đãi ngộ dành cho họ chưa được quan tâm đúng mức. Với đặc thù của loại hình nghệ thuật sân khấu Dù Kê thường chỉ biểu diễn phục vụ vào mùa khô, mùa diễn ra nhiều lễ hội, cho nên hàng năm các đoàn đi lưu diễn khoảng 06 tháng. Ngoài đoàn chuyên nghiệp của tỉnh, các diễn viên của đoàn được hưởng lương theo quy định, thời gian còn lại, do nhu cầu đời sống nên các nghệ nhân, diễn viên của các đoàn Dù Kê tư nhân phải tìm làm các công việc khác để mưu sinh và khi tìm được công việc thích hợp thì họ có thể bỏ nghề hát dù họ rất yêu thích nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Sân khấu truyền thống Khmer nói chung và Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer Nam bộ nói riêng có một vai trò to lớn, đang giữ vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của người Khmer. Sân khấu Dù Kê là di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền Khmer đã, đang và sẽ được duy trì, phát triển rộng khắp trên các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Nam bộ. Nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ là sản phẩm nghệ thuật dân tộc được hình thành từ những yếu tố đặc biệt qua sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc có bản năng sinh tồn và thích nghi với hoàn cảnh mới, môi trường mới, có tính dung nạp cao và được Dù Kê hóa các yếu tố nghệ thuật của các dân tộc khác một cách nhuần nhuyễn, đầy tính sáng tạo và hấp dẫn. Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ là sản phẩm văn hóa tinh thần tiêu biểu mang tính đặc thù của vùng đất Sóc Trăng với mối quan hệ đoàn kết, giao lưu qua cuộc sống xen cư - sinh tồn của ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa từ bao đời nay. Loại hình nghệ thuật này đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền giáo dục, củng cố, tăng cường vun đắp mối quan hệ truyền thống đoàn kết gắn bó ba dân tộc trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Nghệ thuật sân khấu Dù Kê không đơn thuần là để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân sau những ngày lao động vất vả.

         Bên cạnh đó, nghệ thuật sân khấu Dù Kê giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện - ác, chính - tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ. Nghệ thuật sân khấu Dù Kê mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó nghệ thuật sân khấu Dù Kê đối với cộng đồng người Khmer Nam Bộ là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ngày nay, xã hội ngày một phát triển, phương tiện nghe nhìn càng nổ ra mạnh mẽ thì các loại hình văn hóa dân gian, truyền thống có nguy cơ mai một, thậm chí biến mất, như sân khấu Dù Kê chẳng hạn. Trong thời gian qua, ở đồng bằng sông Cửu Long đã có những đợt vận động bảo tồn và phát triển loại hình sân khấu Dù Kê, thông qua cuộc tọa đàm, những chương trình biểu diễn trong hội thi của "Những ngày văn hóa vùng đồng bào Khmer Nam Bộ", công trình nghiên cứu khoa học, các đề tài văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, đội ngũ diễn viên, nghệ nhân, các tác giả kịch bản, đạo diễn và những người làm công tác quản lý liên quan tới sân khấu Dù Kê đã và đang cố gắng làm cho loại hình nghệ thuật sân khấu này luôn có cái mới - hay - lạ, tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng nhiều kịch bản, những vở diễn mới mang hơi thở thời đại phù hợp với công chúng trẻ hôm nay. Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và kết luận Hội nghị Trung ương 10 (khóa IX) về tiếp tục “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các ngành liên quan, xây dựng hồ sơ khoa học về nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer tỉnh Sóc Trăng trình cấp thẩm quyền xem xét. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014 công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian: "Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của người Khmer Sóc Trăng". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng tiến hành thực hiện công tác bảo tồn, phát giá trị loại hình nghệ thuật này. Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Tọa đàm về chủ đề: "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức Tạo đàm với chủ đề: "Nghệ thuật sân khấu Dù Kê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chặng đường 100 năm hình thành và phát triển". Sau hai lần tổ chức Tọa đàm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thiếp thu được rất nhiều ý kiến đóng góp rất quan trọng và quý báo của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer, những tâm tư, tình cảm chân thành của các thế hệ cán bộ quản lý, đạo diễn, nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên làm nghệ thuật sân khấu truyền thống Khmer nói chung, trong đó có sân khấu Dù Kê với những tâm huyết: - Các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch tổ chức nghiên cứu, sưu tầm chiều sâu và toàn diện về sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ ở phạm vi rộng đối với các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống, liên quan đến sự hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu này.

         Trên cơ sở tổ chức biên tập thành tư liệu khoa học, hệ thống hóa lại toàn bộ về loại hình sân khấu Dù Kê, đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, đánh giá, công bố kết quả nghiên cứu. - Tổ chức biên soạn thành giáo án, giáo trình chuyên sâu cho công tác đào tạo, truyền dạy và thực hành trãi nghiệm; trước mắt triển khai giảng dạy trong các trường Văn hóa Nghệ thuật ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên ưu tiên chỉ đạo các Trường đào tạo chuyên ngành nghệ thuật hình thành khoa nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam, trong đó có môn nghệ thuật sân khấu Dù Kê. - Bên cạnh đó, có sự ưu tiên đầu tư cho các Đoàn nghệ thuật Khmer công lập nhằm giữ gìn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer. Cơ quan quản lý cần mạnh dạng xem xét ưu tiên thành lập Nhà hát Nghệ thuật tổng hợp bao gồm các loại hình ca, múa, nhạc và loại hình sân khấu của dân tộc Khmer, trong đó có sân khấu Dù Kê để đảm bảo có chức năng, đủ điều kiện cho việc nghiên cứu trải nghiệm, đào tạo, tập huấn ngắn hạn tại chỗ, tổ chức biểu diễn loại hình sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ. - Bên cạnh Đoàn nghệ thuật Khmer công lập cấp tỉnh, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu đề ra một số chính sách ưu tiên, khuyến khích huy động nhân lực, vật lực trong cộng đồng người Khmer tham gia sáng tạo và hoạt động nghệ thuật dân tộc theo phương thức xã hội hóa. - Công trình nghiên cứu khoa học nên ưu tiên biên soạn, biên tập in thành sách song ngữ Khmer - Việt để giới thiệu rộng rãi, làm cứ liệu nghiên cứu khoa học tầm cao hơn./.

Biên tập - Nguyễn Văn Dũng.
*Tài liệu tham khảo:
1. Sở VHTT tỉnh Sóc Trăng - Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh: Về Sân khấu Truyền thống Khmer Nam bộ - Sở VHTT Sóc Trăng xuất bản, năm 1998.
2. Viện Văn hóa, NXB Tổng hợp Hậu Giang: Tìm hiểu vốn Văn hóa Dân tộc Khmer Nam bộ - NXB Tổng hợp Hậu giang, năm 1988.
3. Viện Văn hóa: Văn hóa người Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long -NXB Văn hóa dân tộc Hà Nội, năm 1993.
4. Sơn Lương: Tìm hiểu Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng xuất bản, tháng 5/2012.
5. Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng - Kỷ yếu toạ đàm "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng" - 2018.
6. Tài liệu tham khảo: Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: "Nghệ thuật sân khấu Dù Kê Khmer Sóc Trăng" - Sở VHTTDL Sóc Trăng - 7/2012.
7. Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng - Kỷ yếu toạ đàm "Nghệ thuật sân khấu Dù Kê trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chặng đường 100 năm hình thành và phát triển" - 2020.

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 1089
  • Trong tuần: 5 305
  • Tất cả: 791654
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.