Lượt xem: 4209
Văn học dân gian - phần 1

 Văn học dân gian là loại hình nghệ thuật ngôn từ được truyền bá bằng lời nói lẫn chữ viết, được sáng tác bằng cả văn xuôi lẫn văn vần, thơ và bài hát, thần thoại, kịch, nghi lễ, tục ngữ, câu đố, và các thể loại tương tự. Từ trước tới nay, người ta biết rằng gần như tất cả các dân tộc đều có văn học truyền miệng. Sau Chuyên mục lí luận phê bình xin giới thiệu bài viết về Văn học Dân gian trên Từ điển bách khoa Brianta

         Theo từ điển Brianta, cho đến khoảng năm 4000 trước CN, tất cả các tài liệu vẫn là truyền miệng, nhưng bắt đầu từ những năm từ 4000 đến 3000 trước CN, văn bản đã phát triển cả ở Ai Cập và trong nền văn minh Lưỡng Hà ở vùng Sumer. Từ thời điểm đó, sự hiểu biết dân gian không chỉ có những tác phẩm về các vấn đề thực tế như luật pháp và kinh doanh mà ngày càng có nhiều văn bản viết khác. Cũng do những khu vực quen sử dụng chữ viết mở rộng khắp châu Á, Bắc Phi đến các vùng đất Địa Trung Hải và cuối cùng trên toàn thế giới, nên sáng tác văn học viết cũng nhanh chóng phát triển theo, do đó ở một số nơi trên thế giới, văn học viết đã trở thành một hình thức biểu đạt bình thường cho những người viết văn và làm thơ.

         Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, thế giới sử dụng chữ viết, bên cạnh những văn bản ngày càng phát triển đã tồn tại, thì một hoạt động lớn và quan trọng do những người thực sự không biết chữ và những người không quen đọc và viết vẫn được thực hiện.

         Nguồn gốc và sự phát triển

         Như nguồn gốc của ngôn ngữ loài người, không có cách nào để biết nguồn gốc văn học dân gian. Dù với bất kỳ ý nghĩa nào đi nữa thì không có tài liệu nào còn tới ngày nay là đồ nguyên thủy, mà nó chỉ có thể dùng để thấy được kết quả của hoạt động con người kéo dài qua hàng ngàn năm còn tới ngày nay. Do đó, người ta suy đoán rằng văn học dân gian có liên quan đến nhu cầu của con người, chứ không phải nguồn gốc cuối cùng.

         Bản chất của truyền thống truyền miệng

         Không có cách giải thích nào nói rõ về quá trình cũng như sự phát triển tổng thể của văn học dân gian. Dù có quy mô nhỏ hay lớn, mỗi tộc người đã ứng xử với văn học dân gian theo cách riêng của mình. Vì phụ thuộc vào kỹ năng giỏi hay dở của người truyền miệng, cộng thêm ảnh hưởng từ các yếu tố vật chất hoặc xã hội có ý thức hoặc vô tình đến một truyền thống nên những gì thấy được trong văn học dân gian chỉ là lịch sử của sự thay đổi liên tục. Một tác phẩm văn học dân gian đôi khi chỉ ổn định tương đối sau khi trải qua những biến đổi mạnh mẽ. Nếu những thay đổi này được xem xét từ quan điểm hiện đại của phương Tây thì người ta sẽ xem xét các nhận xét dưới góc độ dân tộc học là thuận lợi hay không khi tìm hiểu văn học dân gian. Nhưng phải nhớ rằng nhân dân lắng nghe hoặc thưởng thức văn học truyền miệng với những tiêu chuẩn hoàn toàn khác với những cách mà chúng ta hiểu và diễn giải về nó.

         Tuy nhiên, người ta quan sát thấy có hai hướng vận động và thay đổi liên tục của văn học dân gian. Một mặt, thỉnh thoảng, xuất phát từ một số quan điểm và sự phát triển thực tế của một hình thức văn học mới, các cá nhân hoặc một nhóm những người hát dân ca hay người kể chuyện giỏi có thể phát triển các kỹ thuật diễn xướng và nó cải thiện theo thời gian. Mặt khác, nhiều tác phẩm văn học dân gian ngày càng trở nên ít quan trọng hơn, và đôi khi bị xóa khỏi kho tàng truyền miệng do các phong trào lịch sử hay do ảnh hưởng nước ngoài quá lớn hoặc chỉ là vì thiếu những người thực hành khéo léo của truyền thống. Các chi tiết của những thay đổi như vậy đã được rất nhiều sinh viên văn học dân gian quan tâm nghiên cứu.

Những tác phẩm thủ công dân gian - ảnh: Nhật Huy

         Khoảng 5.000 hoặc 6.000 năm trước, ở Sumer và Ai Cập, sự khởi đầu của văn học viết đã diễn ra trong một thế giới chỉ biết đến văn học dân gian. Trong suốt hàng thiên niên kỷ sau đó, văn học viết đã bị bao vây và đôi khi bị choáng ngợp trước hoạt động khiêm tốn của những người không biết chữ. Sự xuất hiện của tác giả và bản thảo được bảo quản cẩn thận xuất hiện từ từ và không chắc chắn, và chỉ ở một vài nơi ban đầu, tác giả văn học mới phát triển rực rỡ như Athens của Pericles hay ở Jerusalem của Kinh Cựu Ước chỉ là một phần rất nhỏ của thế giới thời họ sống. Gần như ở mọi nơi khác, người kể chuyện bằng lời hoặc người kể sử thi chiếm ưu thế, và tất cả những gì được gọi là biểu hiện văn học đã được mang theo trong ký ức của dân gian, và đặc biệt là những người kể chuyện có năng khiếu.

         Một số người, kể cả phụ nữ, có năng khiếu thiên bẩm tuyệt vời – như: pháp sư, linh mục, nhà cai trị, và các chiến binh- được sinh ra trong một số xã hội và tạo ra sự kích thích lớn nhất cho sáng tác và thưởng thức các chuyện thần thoại, cổ tích và dân ca ở nhiều nơi. Một số người bình thường khác đã lắng nghe và bị ảnh hưởng từ những người giỏi như vậy để rồi chính anh đôi khi trở thành một thi sĩ. Chẳng hạn, dù không có lợi ích gì trong việc viết lách, nhưng một số vị vua và các quan chức trong triều đã ngồi mê mẩn khi tham gia vào những bữa tiệc kể chuyện như vậy.

         Trao đổi văn hóa trong truyền thống viết và nói

         Văn học dân gian đã ảnh hưởng sâu sắc đến chữ viết sau này. Các bài thánh ca Home, chắc chắn có nguồn gốc bằng lời nói và giữ lại nhiều đặc điểm thông thường của văn học dân gian, như sự lặp lại kéo dài và cách diễn đạt công thức phát triển đến mức có thể di chuyển dễ dàng trong một hình thức thơ thống nhất và nghiêm ngặt, đã được xây dựng công phu và tình tiết khá nhất quán và thành công, và được bảo tồn dưới hình thức dứt khoát một quan niệm về pantheon Olympic với các vị thần và anh hùng của nó, đã trở thành một phần của suy nghĩ Hy Lạp cổ đại.

         Không phải nơi nào cũng có văn học truyền miệng được ghi trực tiếp trên văn bản như trong các tác phẩm của Homer, vốn trình bày một sự chuyển đổi từ tiền văn học viết sang văn học viết. Nhưng nhiều truyện dân gian đã tìm thấy vị trí của họ trong văn học. Thể loại Lãng mạn thời trung cổ, tiêu biểu như thơ của Breton Lay, đã dễ dàng chịu ảnh hưởng từ nguồn văn học dân gian dân gian, thậm chí là mượn trực tiếp. Thật khó để quyết định liệu một câu chuyện văn học viết đã chịu ảnh hưởng từ dân gian hay từ một nguồn khác kiểu như được nghe từ linh mục, giáo viên hoặc bác sĩ kể, rồi đi vào truyền thống và đã được coi như các truyện dân gian hoặc dân ca khác. Việc không dụng chữ viết làm cho những tác phẩm đó không thể phân biệt nguồn gốc.

         Từ thời Trung cổ chuyển qua thời Phục hưng, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với tác phẩm của các nhà văn ngày càng đậm nét, đến nỗi rất khó vẽ ra một đường phân biệt sắc nét giữa chúng. Trong các thể loại văn học như fabliau[1], nhiều giai thoại rốt cuộc được lấy từ những câu chuyện đang lưu hành của những người kể chuyện dân gian, nhưng rồi những câu chuyện đó được các nhà văn viết lại và một số tác phẩm đã trở thành dòng văn học chính, như tác phẩm của Boccaccio hoặc Chaucer. Chỉ sau đó, vào thế kỷ XVI và XVII, trong những tác phẩm như Gianfrancesco Straparola và Giambattista Basile, các nhà văn đã mượn trực tiếp phần lớn tài liệu từ văn học dân gian cho tác phẩm của mình.

         Từ thời Văn học Cổ điển, các nhà văn đã mượn cốt truyện và mô típ từ những câu chuyện truyền miệng, và nguồn gốc dân gian của những câu chuyên đó dần dần đã bị lãng quên. Ví dụ được tìm thấy rất nhiều từ trong sử thi của Homer và sử thi Beowulf. Ở dạng văn học gốc, những câu chuyện ấy thường sống cùng với lời kể và lời kể lại của người kể chuyện truyền miệng. Ơ dạng vay mượn, các minh chứng về các truyền thống được sử dụng trong tác phẩm hiện đại được người ta tìm thấy trong tác phẩm Peer Gynt của Ibsen và The Sunken Bell của Gerhart Hauptmann. Đặc biệt thường xuyên trong tất cả các tác phẩm văn học là tục ngữ, chắc chắn rất nhiều câu có nguồn gốc dân gian.

Lễ chùa - tranh: Ngô Thanh Sử

         Ở Phần Lan, một ví dụ điển hình về việc sử dụng trực tiếp văn học dân gian trong việc xây dựng một sử thi văn học là sử thi Kalevala, được Elias Lönnrot sáng tác vào những năm 1830, chủ yếu bằng cách hợp nhất các bài hát sử thi mà ông đã thu âm từ nghệ nhân dân gian Phần Lan. Bản thân Kalevala là một tượng đài văn học quốc gia, nhưng những bài hát mà Lönnrot nghe được là một phần của văn học dân gian.

         Các nhà văn và nhạc sĩ thường sử dụng các chủ đề được lấy từ truyền thuyết dân gian và dân ca (xem thêm dân ca) và đến lượt họ, sáng tác của họ đã ảnh hưởng lên chính các truyền thống. Trong những năm gần đây, rạp chiếu phim đã giới thiệu những truyện cổ tích cũ cho công chúng thưởng thức, đồng thời đài phát thanh và truyền hình đã kích thích công chúng quan tâm đến các bài dân ca. Chắc chắn là văn học truyền miệng kiểu này đã trở nên ít tính chất lời nói hơn, và nhiều tác phẩm “giả dân gian” (pseudofolk) đã được trình bày cho công chúng, quen thuộc như các quy ước văn học thông thường.

         Trong văn hóa phương Tây đã bị đô thị hóa, sách và báo, đài phát thanh và truyền hình rõ ràng đã dần thay thế cho văn học dân gian. Những người thích nghe những truyện kể truyền miệng chính hiệu, những truyền thống thật hoặc dân ca đích thực phải cố gắng hết sức để khám phá. Người ta thấy vẫn còn tồn tại những nhóm biệt lập mang truyền thống như vậy, đó là người già, những khu dân nhập cư gần đây ở các thành phố và các nhóm dân tộc thiểu số khác, nông thôn hoặc thành thị. Trẻ em cũng  là đối tượng rất quan trọng đối với việc duy trì một số loại truyền thống truyền miệng như trò chơi dân gian, câu đố, ca hát và nhảy múa. Chúng tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác và được thêm vào liên tục, luôn luôn trong một truyền thống truyền miệng.

         Trải qua một thời gian dài, cho đến nay lễ hội dân gian đã phát triển mạnh mẽ. Lễ hội đã trở thành một trong những sự kiện đa dạng, lớn nhất gần như trên toàn thế giới. Nó có khả năng làm sống lại nhiều điệu múa xưa (xem thêm múa dân gian) hoặc mang đến những điệu múa mới từ nhiều quốc gia khác, ngoài ra lễ hội cũng có dân ca và thỉnh thoảng có kể chuyện. Thông thường người ta sẽ cố gắng bằng mọi để cách giữ cho các lễ hội đích thực được diễn ra trong truyền thống địa phương, vì chính lễ hội là một tác nhân kích thích nhằm bảo tồn một giai đoạn biến mất trong cuộc sống hiện đại.

         Nếu văn học dân gian thực sự lụi tàn thì quá trình này sẽ diễn ra rất chậm. Như đã từng tồn tại, hiện nay, văn học dân gian vẫn là cách thể hiện nghệ thuật thông thường nhất của những người bình dân trên tất cả các châu lục.

Tác giả: Stith Thompson
Ama Huy chuyển ngữ
Nguồn: https://www.britannica.com/art/folk-literature/Folktale

[1] Truyện thơ tiếu lâm ở Pháp, khoảng thế kỉ XII-XIII

Nhật Huy

 

 

video
  • 10 SỰ KIỆN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TIÊU BIỂU NĂM 2023 (15/01/2024)
  • Biểu diễn giao lưu nhạc Qawwali Ấn Độ tại Sóc Trăng (14/08/2023)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 488
  • Trong tuần: 4 704
  • Tất cả: 791053
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.